Cam Lộ: Người mẹ bước ra từ cổ tích

Không quản ngại xa xôi, nhiều người đã ghé thăm ngôi nhà nhỏ, nơi mẹ con chị Trần Thị Cúc đang tạm trú. Ngoài đến với sự sẻ chia, họ còn mong muốn được tai nghe, mắt thấy câu chuyện về người phụ nữ chấp nhận sống đơn thân, đằng đẵng nuôi một cháu bé khuyết tật bị bỏ rơi. Không ít người đã nghẹn ngào khi biết câu chuyện tưởng chỉ có trong thế giới cổ tích đã hiện diện giữa đời thực.

Người mẹ bước ra từ cổ tích

Mỗi lúc thấy tia sét chạy dọc ngang trên bầu trời, những đám mây đen kịt, dẫu đang dở tay làm việc gì, chị Trần Thị Cúc, trú tại khu phố 3, thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) cũng chạy vội về với con. Ôm đứa con 22 tuổi nhưng nhỏ như một cô bé lên 10 vào lòng, chị Cúc giải thích: “Mỗi lần sấm sét, cháu lại lên cơ co giật, quấy khóc nên phải có người túc trực”. Thành ra, nhiều năm nay, mỗi khi rời nhà, chị Cúc đều ở trong tư thế nơm nớp. Hầu hết thời gian chị chỉ quẩn quanh bên chiếc giường nhỏ, nơi cô con gái khóc cười tùy theo diễn biến của cơn bệnh.

Năm 1993, hay tin một bé gái bị bỏ rơi ở bệnh viện, người chị em cùng làng rủ chị Trần Thị Cúc cùng đi về thành phố Đông Hà để nhận nuôi. Đến nơi, người phụ nữ hiếm muộn ấy lắc đầu thất vọng bởi thấy đứa trẻ có triệu chứng bị teo cơ, bại liệt. Bấy giờ, trái tim chị Cúc lại nảy sinh tình cảm khác lạ. Là người nhạy cảm, chị biết, đã có nhiều người đến với đứa trẻ nhưng tất cả đều quay lưng đi. Không ai đủ can đảm và tình thương để nhận nuôi một đứa trẻ khuyết tật. Sau một hồi tần ngần, chị Cúc quyết định ẵm đứa trẻ về nhà.

Chị chia sẻ: “Nhìn đứa trẻ nhỏ xíu, đỏ hỏn, khao khát vòng tay yêu thương, đôi chân của tôi như bị níu lại. Giống một mệnh lệnh từ trái tim, tôi quyết đem cháu về nuôi và đặt tên là Trần Thị Phương Thảo”.

Tin chị Trần Thị Cúc nhận nuôi trẻ khuyết tật lan đi rất nhanh. Một số người bảo chị “có vấn đề” bởi “đang yên, đang lành lại rước khổ vào thân”. Về phần mình, những người thân lại vận động chị đưa cháu bé vào trung tâm bảo trợ hay mái ấm tình thương nào đó, rồi thỉnh thoảng dành thời gian đến thăm nom, xem như có trách nhiệm với quyết định của mình.

Gặp nhiều áp lực, có thời điểm, chị Trần Thị Cúc rời nhà, dựng tạm túp lều cạnh bờ sông Hiếu để sinh sống. Trong căn nhà tranh tối, tranh sáng, chị lặng lẽ nuôi con. Mỗi khi Thảo khát sữa, chị Cúc phải bồng cháu đi khắp làng để xin. Chị chắt chiu từng đồng để mang con đi điều trị, phục hồi chức năng nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Theo tháng ngày, mắt chị trũng sâu hơn sau những đêm con ốm hoặc lên cơn động kinh. Chị Cúc bộc bạch: “Sống chừng một năm ở bờ sông, tôi về nhà vì người thân vào Nam lập nghiệp hết cả mà mẹ già lại hay đau ốm. Được vài năm thì mẹ mất, giờ thì tôi đang sống tạm ở chỗ của cháu trai vì căn nhà cũ đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng”.

22 năm nuôi con khuyết tật, nhiều người thương cảnh chị Cúc “chăn đơn, gối chiếc” nên đã đến dạm hỏi. Thế nhưng, khi thấy họ chần chừ trước quyết định làm cha cháu Thảo, chị Cúc lại lắc đầu. Chị cho biết, bản thân cũng có lúc yếu lòng nhưng hễ nhìn thấy đứa con nuôi nằm quắt queo, yếu ốm, bản thân lại mạnh mẽ hẳn lên.

“Chỉ vì di chứng chất độc da cam mà cháu bị bỏ rơi, chịu nhiều bất hạnh. Dù không sinh thành nhưng gắn bó suốt 22 năm với cháu giờ tình cảm của tôi thậm chí hơn cả máu mủ. Còn sống ngày nào, tôi sẽ yêu thương, chăm sóc con ngày đó”, chị Cúc giãi bày.

Nhiều năm qua, chị vẫn nhắc nhủ mình lạc quan, yêu đời để làm chỗ dựa cho con và có thêm niềm tin để bước qua những giông gió của cuộc đời.

Nguồn: Báo Quảng Trị