Tùy bút: Nghe mạ kể

Năm mô cũng vậy, cứ độ tết đến là tôi lại bâng khuâng. Chẳng nghĩ về thực tại hay tương lai xa xôi gì cả. Tôi nhớ về ngày xưa. Lạ vậy! Đi hơn nữa đời người mà ký ức cứ hằn lên những ngày tết ở làng của đứa trẻ tôi cầm trong tay cái bánh lăn mắt môi rực sáng. Tôi gói ghém niềm hạnh phúc nhỏ bơ vơ giữa cảnh đời tấp nập, giữa phố xá thênh thang, giữa bao người qua lại của cái ngày hôm nay mà mạ hay kêu là “hiện đại lắm bây”. Tôi lại thương đứa trẻ ký ức tôi khi lọt thỏm vô hàng quán với âm nhạc xập xình, thứ đèn xanh đỏ. Thương mạ mắt ngày mỗi yếu đi, cái nhìn chậm lại trong sự đổi thay đến quên cả ngày xưa. Tôi đưa mạ từ thành phố về quê sưởi ấm. Lại nghe nhớ bếp lửa ở ngôi nhà tranh trong đêm giao thừa.

Nghe mạ kể

Cứ mỗi đêm ba mươi, dưới mái nhà tranh, anh em chúng tôi quây quần bên nhau để chờ thời khắc giao thừa và để nghe đài đọc thư chúc tết. Hồi đó năm nào cũng nghe mấy bác ngoài Trung ương đọc thư chúc tết. Tôi nghe mạ kể, mạ thích nhất là nghe Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh chúc tết. Còn mấy đứa trẻ chúng tôi quây quần bên bếp lửa. Lúc đó việc làm quan trọng nhất là nấu bánh và việc không thể bỏ lỡ một khắc là ăn bánh nhỏ trong đêm giao thừa. Bánh nhỏ là bánh được gói từ chỗ nếp còn lại không đủ để gói một đòn bánh. Cứ hai đứa một cái bánh nhỏ chia nhau để ăn, vừa ăn, vừa cười nói khúc khích. Cái thời cơ cực ăn gì cũng ngon, chờ đợi những điều hạnh phúc nhỏ bé như thế và biết chắc chắn rằng hạnh phúc đó sẽ tới từ đôi bàn tay cha tôi. Cha tôi gói bánh đòn rất đẹp. Cứ năm nào chạm tết là mạ làm hai thúng nếp với một nồi nhụy đậu xanh thịt heo. Cha gói từ chiều hôm trước cho tới ngày hôm sau mới hoàn thành và chị gái tôi bắc lên bếp để nấu.

Nhà tôi đông anh em, năm nào tết đến là mạ đi xuống chợ Phiên Cam Lộ mua cho những tấm áo mới. Cứ anh em trai mặc áo nâu còn chị em gái mặc áo phin có in hình lá trúc. Cứ vậy xúng xính đi chơi tết khắp ở trong làng, ngoài xã. Cứ nhìn cái trang phục đó người ta có thể đoán được con cái nhà ai rồi. Chẳng cần kêu tên A, B, C, D gì cả, chúng tôi có một cái tên chung, tên của cha mạ tôi. Ví như cha tên Đức, mạ tên Hạnh thì cứ kêu, ê cu Đức Hạnh, ê bé Đức Hạnh. Tôi ví tên cha mạ như lộc xuân, mình gắn liền với màu xanh hy vọng đó. Đến ngày cha tôi mất, tên tôi chỉ gắn liền với tên mạ. Lúc đó tôi biết trên cành cây đời mình rụng đi một chiếc lá, mắt cay xè và môi mím chặt, lòng tự nhủ tết nay vắng đi một người thân.

Kể ra đời mạ tôi cũng khổ, có lúc khổ tới đắng lòng. Nuôi một đàn con mười sáu đứa, rồi nuôi luôn một ông chồng. Quan điểm của mạ tôi cũng ngược đời thấy lạ. Cứ khi nào cha yếu, để cha chơi cho thỏa thích. Mà cha tôi cũng yếu thiệt, bao tháng năm tù đày bị địch tra tấn, đến khi giải phóng trong mình mang trọng bệnh. Nhưng cái sự đẻ con của mạ và cha thì như cây trong mùa xuân. Cứ nắng ấm lên cao là cây khẳng khiu cũng đâm chồi, nảy lộc. Anh em chúng tôi cứ nối tiếp nhau chào đời. Cứ thế, mạ tôi tần tảo nuôi chồng, nuôi con. Những chuyến buôn xuôi ngược miền rừng của Khe Sanh, Lao Bảo, Đakrông… đủ để cho gia đình tôi có một cái tết sum vầy. Chạm tết mạ cũng kể ngày xưa, rằng mạ vật một con heo với hơn mười con cá chép khô ăn tết, rồi măng khô, rồi bánh in, bánh đúc được nấu bằng gạo ruộng khô tháng mười thì ngon ơ. Bánh đúc ăn với nước lèo, rau sống, vậy mà giờ biến mất một món ngon… mạ kể như tôi chưa hề chứng kiến điều đó. Thiệt ra tôi nhớ tới nằm lòng, năm nào nhà tôi cũng có một cái tết rộn rã. Mà phải nói là giàu nhất làng. Khi những đứa bạn trang lứa còn lấm lem bùn đất thì anh em nhà tôi có bánh trái để ăn. Và thịt heo luôn là món ngon nhất. Mạ thích nhất là pháo, cứ đến tết là phải chọn phong pháo thiệt to để nổ giòn tan cầu cho năm mới làm ăn khấm khá. Pháo phải mua tận… Đông Hà, pháo Nam Ô.

Ngày nay Đông Hà gần gụi chớ ngày trước nghe đi Đông Hà như đi đâu xa lắm. Mạ vốn rất tân tiến, tới giờ tuổi đã chạm tám mươi còn lấy tuốc-nơ-vít ra sửa radio và thích điện thoại xịn. Mấy cái máy nghe nhạc MP3 là thứ cuốn hút mạ nhất. Cũng tại vậy nên mạ hay chê chúng tôi, làm cán bộ tỉnh mà năm nào làm cỗ đón tết không ra chi hết. Đôi lúc chạnh lòng, đôi lúc dòm kèm hem con mắt khi thấy mấy đứa con cháu đi Sài Gòn mang tiền về thuê nhạc đón tết xập xình. Làm cán bộ chớ phải chơi trò đen đỏ đâu. Mà chơi trò đen đỏ có khi tối xẩm mặt mày. Đời tôi lại túng như con chữ của nhà văn trong lúc bí bách. Mòn vẹt đôi tay trên bàn phím và tóc muối tiêu lổ đổ trên đầu để cầm trên tay vài đồng bạc mọn. Có lẽ cái tết của tôi là khi bài được in lên trang báo, nó khá lặng lẽ và sớm cũ sờn, nó treo đời tôi lên cho gió tha hồ thổi. Tôi thua ngày xưa của mạ, thua luôn cái cần kể tới là món ăn tinh thần trong ngày tết. Cũng bởi vậy cứ mỗi năm từ 28 đến 30 tháng chạp, tôi đem mấy đứa con tới chợ Phiên Cam Lộ để coi bong bóng xanh đỏ bầu trời, coi người ta bán con heo, con gà và chợt dưng nhớ cái ngày xưa tôi mơ ước tới chợ Phiên Cam Lộ trong dịp tết.

Ngày đó chợ Phiên Cam Lộ không sạch đẹp như bây giờ. Chợ ẩm thấp, bạt rách te tua và nhẩy đầy bùn đất. Nhưng tôi lại nhớ da diết cái chợ cũ đó. Cũng như so sánh tình yêu của tôi giữa mạ và cha. Trong lúc mạ tần tảo, chăm bẵm chúng tôi, yêu thương chúng tôi như vậy… nhưng tôi lại thương cha tôi hơn. Cái tình cảm khó mà lý giải rạch ròi. Cứ như cái chợ Phiên Cam Lộ cũ và mới, rõ ràng chợ mới khang trang, sạch đẹp hơn nhiều nhưng tôi lại yêu cái chợ cũ. Có lẽ, đối với tôi chợ cũ đầy ắp kỷ niệm. Và với cha, ông ấy đã đem tới cho tôi ký ức chất chồng lên nhau mà cái nào cũng thơm tho và đẹp đẽ.

Còn nhớ hồi đó, cứ hai ba tết là chúng tôi rèo mấy chị cho đi chợ Phiên Cam Lộ. Đoạn đường dài từ nhà tôi đến chợ gần chục cây số. Chị tôi đi bộ, gồng gánh trên vai đầu buồng chuối, đầu buồng cau mà phải đi chậm lại chờ chúng tôi trong khi đôi vai luôn bị đòn gánh nghiền cho tím tái. Nhưng vì thương em nên một phiên chợ cho đi, tới phiên thứ hai chúng tôi vẫn rèo đòi đi. Chị ừ, đi ngủ sớm mai cho đi. Và lời hứa đó chị không thực hiện được. Lần sau, chúng tôi lấy dây chuối khô buộc áo chị và áo chúng tôi lại để khi thức dậy giật dây động người. Cái bẫy công phu như thế cũng bị hỏng, khi sớm mai con nắng rúc qua mái tranh bị dột soi vô tới nhà chúng tôi mới thức dậy rồi ngồi nhìn cái dây chuối chỏng chơ trên giường.

Thực ra tôi thích đi chợ Phiên Cam Lộ để ăn cái kẹo cau, loại kẹo như một cục đường trắng phốp to bằng trái cau. Đi gần chục cây số để nắm lấy mấy cái kẹo cắn vào mồm kêu rau ráu và ngó người ta bán mua ở chợ, vậy mà hạnh phúc chớ chẳng chơi, hơn ba chục năm kỷ niệm đó lúc nào cũng ấm lòng. Cứ mỗi độ tết đến xuân về là tôi lại ngẩn ngơ như đứa trẻ, cứ ngồi hỏi quẩn quanh chuyện ngày xưa và lại thèm nắm trong tay vài cái kẹo cau.

Giờ chợ Phiên Cam Lộ có thắp đuốc cũng không tìm ra được kẹo cau nữa. Mỗi khi nhắc tới chuyện này, mạ thường cười và dòm tôi như người ngoài hành tinh. Mạ nói: “Mi nhớ chi hỏi nấy rứa con. Chuyện thời mô rồi còn hỏi. Cái thằng như ông cố hèn chi tóc mau bạc, nhớ ngày khốn khó đó chỉ thêm phiền lòng”. Nói vậy nhưng mạ kể luôn một mạch đường tới chợ Phiên, đoạn nào đường xấu, đoạn nào người ta bán nước, bán bún. Rồi đoạn về mua hàng nặng gánh còng lưng. Tôi thấy tết của ngày đó trải từng đoạn đường từ nhà đến chợ Phiên Cam Lộ và từ chợ Phiên Cam Lộ tới nhà. Khi mang hàng hóa đi, người ta chờ đợi bán được hàng với giá cho là được và khi bán được hàng rồi lại mua những thứ mình cần cho dịp tết và gánh về. Trên đường đi niềm hạnh phúc trào dâng vì chính trên đôi vai ấy mùa xuân nặng trĩu. Cái tết diễn ra ở trong lòng người lúc này mới thực sự là tết. Điều đó cũng một phần lý giải vì sao ngày xưa thiếu thốn mà không khí tết cứ ăm ắp suốt đầu làng cuối xóm, ngày nay cuộc sống ấm no hơn thì người ta đi tìm kiếm hơi ấm mùa xuân trong nỗi nhọc nhằn. Tôi không thất vọng vì điều đó, chỉ thấy chưa quen và chưa quên.

Còn với lớp trẻ bây giờ, chúng chờ tết đến bằng nhiều cách khác nhau và hưởng thụ mùa xuân bằng cách của những con người hiện đại. Tôi lấy niềm vui của lớp trẻ làm niềm hạnh phúc cho mình. Hãy học cách thích nghi theo dòng chảy của thời gian và sự đổi thay của thời cuộc. Và tôi cũng chẳng quên kể lại những câu chuyện của mạ tôi về chợ tết, về đón xuân, về gói quà, gói bánh. Về cánh đồng mà tôi ôm cái bánh đòn ngủ quên trên bãi cỏ, cứ để mặc đàn bò tung tăng trong nắng… Tôi kể cho con tôi nghe. Vì nếu tôi chỉ gói ghém cho riêng mình, con tôi sẽ rất thiệt thòi khi mất đi những chứng tích bằng lời đó.

HOÀNG HẢI LÂM