18 năm xa quê trôi qua, tôi bây giờ là dâu Sài Gòn, là mẹ của hai con, bị đồng hóa nhiều thứ, nhưng có một thứ không thể nào bỏ được, đó là chất giọng miền Trung nằng nặng của quê mình.
Mùa hè năm 1997, tôi đặt chân vào TP HCM và bắt đầu cuộc sống sinh viên đại học. Tôi thực sự khổ sở vì cái tiếng trọ trẹ của mình. Bạn cùng lớp mắt tròn mắt dẹt nghe không hiểu, nên tôi phải cố gắng nói thật chậm, bớt đi từ địa phương. Cái lưỡi của tôi phải uốn muốn mỏi. Nhưng tôi tự hào vì cái tiếng trọ trẹ dễ thương ấy.
Thấm thoắt mà đã 18 năm trôi qua, tôi bây giờ là dâu Sài Gòn, là mẹ của hai con, bị đồng hóa nhiều thứ, nhưng có một thứ tôi không thể nào bỏ được. Đó là chất giọng miền Trung nằng nặng của quê mình. Mặc khách hàng hay bạn bè kêu ca, muốn tôi tập tành nói giọng Nam, nhưng tôi thật xin lỗi, bởi nó đã ăn vào máu mất rồi, không bỏ được. Tôi chỉ có thể bớt ít nói “răng”, “mô”, “tê”, “ri”, “rứa” thôi…
Mỗi khi có ai đó hỏi: “Em là người Huế à?”. Tôi lại ưỡn ngực, cười toe toét: “Không, em là người Quảng Trị”.
Ừ, tôi là người Quảng Trị. Cái xứ cằn cỗi mà người ta còn ví chó ăn đá, gà ăn sỏi, cái xứ mùa đông mưa dầm thối đất, mùa hè gió lào từng cơn rát bỏng…
Ừ, tôi là người Quảng Trị. Nơi đó có ba mẹ tôi mỗi ngày vẫn cần cù mưa nắng, và cả một tuổi thơ tôi đầy ăm ắp nhớ thương.
Tuổi thơ tôi là những ngày 5 chị em trông nom lẫn nhau. Tôi là chị lớn thứ 2, bồng ẳm 3 đứa em đến nỗi hai bên sườn nổi dày đặc hột cám. Những tối ba mẹ đi làm về muộn, cả lũ đói cơm, sợ ma, không dám ở trong nhà, kéo nhau ra đầu ngõ ngồi khóc hu hu, rồi tự lau nước mắt cho nhau, ngóng ba mẹ về trong tiếng ễnh ương kêu ộp oạp.
Lớn thêm một tí, tôi đã biết nhóm lửa thổi cơm mỗi khi ba mẹ vắng nhà. Những bữa cơm đạm bạc chỉ có rau luộc hái trong vườn chấm với xì dầu. Bếp lửa nhóm từ rơm, hay củi khô, lá khô mấy chị em đi mót về, sau đó chuyển qua bếp lò thổi bằng trấu (vỏ lúa), khói um cay mắt, đậm nồng cả gian bếp nhỏ.
Tuổi thơ tôi còn có những đêm hè trời nóng, ba bắc chõng tre ngoài sân, lót tàu lá chuối làm chiếu cho mát. Mấy cha con nằm ngửa đầu ngắm trăng, ba ngâm thơ, dạy tôi bập bẹ làm thơ, những vần điệu vụng về và non nớt, gieo vào lòng tôi những cảm xúc đầu tiên trong cuộc đời, biết yêu quê hương, đất nước, yêu gia đình…
Tuổi thơ tôi là những ngày đi học xa nhà ở trường chuyên tỉnh, dành ít tiền học bổng để mua sách học thêm. Người tôi bé loắt choắt như con cóc con. Mỗi tuần tôi đạp xe đi về quãng đường 15 km trong gió lào ràn rạt muốn xô ngã cả người lẫn xe; hay trong tiết heo may mùa đông giá lạnh ẩm ướt… chỉ để được sà vào lòng ba mẹ, chỉ để được sum họp cả nhà cùng ăn bữa cơm gia đình hạnh phúc.
Tuổi thơ tôi là buổi chiều nước lũ dâng cao, đứng bên này cầu Ái Tử nhìn nước dâng ngập đường trắng xóa, rồi lặng lẽ dầm mưa đạp xe quay ngược trở về nội trú, cuộn mình thút thít trong chăn, khóc đến đỏ hoe mắt vì thương ba thương mẹ và nhớ nhà da diết.
Tuổi thơ tôi là 3 năm cấp III, cơm canh nội trú ngon nhất chính là trường kỳ món cá mắm mặn chát, một con có thể ăn được từ 2 đến 3 chén cơm, mà lũ học trò gầy tong teo như cây củi ăn hoài không biết chán.
Tuổi thơ tôi còn có nhành phượng đỏ ép trong trang lưu bút, có bài thơ dang dở chưa kịp tặng một ai đó, có giọt nước mắt học trò đêm lửa trại chia tay, muôn lời nghẹn lại trong tim, mãi vẫn không phai.
Tuổi thơ tôi là chắt chiu mồ hôi của mẹ, mừng vui ngày tôi nhận giấy báo trúng tuyển đại học, mẹ run run lấy từ gia tài dành dụm, đeo vào tay con gái nửa chỉ vàng, nghẹn ngào dặn dò: “Con ráng học hành cho giỏi, mẹ chỉ có bấy nhiêu thôi… ráng giữ phòng thân khi đau ốm, khi không có ba mẹ bên cạnh”.
Xe đã chuyển bánh, bóng mẹ xa dần, tôi cố mỉm cười vẫy tay, tạm biệt mẹ mà trong lòng đau xót. Trước mắt tôi, mẹ cố kiên cường không rơi lệ, nhưng tôi biết sau khi xe chạy khuất, mẹ sẽ lặng lẽ trở vô nhà và bưng mặt ngồi khóc cả buổi.
Bánh xe thời gian thấm thoắt đã trôi xa, tôi từng bước trưởng thành, đi làm, lấy chồng, rồi làm mẹ. Đến khi sinh con, tôi vẫn nhất quyết phải về quê để được ở bên cạnh mẹ, được mẹ tự tay “xông phây” khi ở cữ. Giây phút bồng trên tay sinh linh bé nhỏ của mình từ tay “mệ ngoại”, tôi đã khóc, giọt nước mắt vừa hạnh phúc, lẫn biết ơn. Câu “mang nặng đẻ đau” ý nghĩa đến nhường nào khi chính bản thân mình vừa trải nghiệm qua.
Tôi bao ngày xa quê, tha phương trăm nẻo vẫn luôn tự hào và nhớ nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Và nếu có ai đó hỏi: Anh/chị/bạn quê ở đâu? Tôi sẽ ưỡn ngực và tự hào trả lời: “Tôi – là người Quảng Trị”.
Văn Thị Hồng Hà
Vnexpress.net