Trong số các nhà thơ, nhà văn quê hương Quảng Trị, Vĩnh Mai là một tác giả đáng ghi nhận, một nhân cách đáng kính, một người trí thức đầy lòng tự trọng, một người cộng sản chân chính.
Nhắc đến Vĩnh Mai, người đọc nhớ ngay đến bài thơ “Khóc Hoài” nổi tiếng của ông. Nó hoàn toàn xứng đáng đủ tư cách đứng ngang hàng với bài thơ “Viếng bạn” của Hoàng Lộc và những thi phẩm khóc bạn, khóc người cùng chí hướng lưu danh trong lịch sử văn học Việt Nam. Bài thơ này đã làm nên danh xưng của Vĩnh Mai -“nhà thơ một bài” dù sự nghiệp sáng tác của ông không chỉ là ngần ấy. Nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường khi nói về “Khóc Hoài” đã nói rằng bài thơ gợi đến chất lấm láp, khỏe khoắn của hội vật làng Sình, cứ “mi mi tau tau” tỉnh bơ mà tình cảm như xoáy vào gan ruột. Đến nay khi thời gian sáng tác bài thơ đã qua hơn nửa thế kỷ mà nhiều người cao tuổi ở Bình Trị Thiên vẫn nhớ đến tiếng thơ khóc bạn, có người còn đọc thuộc. Đó là hạnh phúc đích thực đối với một người cầm bút .
Nhà thơ Vĩnh Mai
Tau với mi hẹn nhau từ khu bộ
Lúc trở về cố sáng tác văn chương.
Đến tỉnh nhà lại mỗi đứa mỗi đường
Lo công việc không một ngày được nghỉ
Tau ao ước giữa văn nhân nghệ sĩ.
Gặp lại mi để bàn chuyện lâu dài.
Nhưng một hôm như sét đánh ngang tai
Tau sửng sốt nghe tin mi đã chết
Tau buột miệng kêu lên “thế là hết
“Tau mất thêm một thằng bạn văn chương …
…Mi lại chết ! Trời ơi là uất ức
Mi táo bạo về ngay chi Phú Lộc
Để cho Tây phục kích bắn mi đi!
Tau biết rồi tính mi vốn khinh khi
Coi mạng sống như đồ chơi con trẻ
Tau nhớ mãi dáng hình mi mạnh mẽ
Bước mi đi chắc nịch như trâu tơ
Tâm hồn mi trong trắng như bài thơ
Của một chú học sinh mười sáu tuổi
Say lý tưởng, mi yêu đời đắm đuối
Và hiến đời trai trẻ cho công nông
Ngày mai đây dưới bóng đẹp cờ hồng
Mi vắng mặt buồn cho tau biết mấy!
Bằng những nét tạo hình chắc khỏe, thô mộc, sần sùi đã khắc họa được chân dung một trí thức hiến trọn đời mình cho độc lập, tự do và hy sinh lẫm liệt trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Một trí thức hòa mình vào cuộc chiến tranh nhân dân trường kỳ với dáng vẻ ngang tàng coi thường nguy hiểm. Đó là tượng đài hiếm hoi bằng thơ về người trí thức xả thân vì nghĩa lớn trong văn học Việt nam hiện đại.
Bạn đọc biết ít về Vĩnh Mai thường có cảm nhận rằng tác giả bài thơ “Khóc Hoài ” chắc hẳn là một nông dân thích sáng tác văn chương. Đó cũng là một thành công của bài thơ khi mang đầy hơi thở của kháng chiến và đời sống của những người áo vải. Nhưng nếu đọc tiểu sử của ông thì mới biết Vĩnh Mai là một tú tài thứ thiệt, thi đỗ thứ nhì vào trường Quốc học Huế lừng danh, một trí thức thực sự. Ông tên thật là Nguyễn Hoàng, người làng An Tiêm, Triệu Thành, Triệu Phong.
Ông là một nhà hoạt động cách mạng, vào Đảng năm 1939, năm 1940 bị giặc bắt bỏ tù ở nhà đày Buôn Ma Thuột. Sau cách mạng Tháng Tám ông đã giữ các chức vụ quan trọng như Bí thư Thành ủy Huế, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị. Khi hòa bình lập lại, ông sống ở miền Bắc, công tác ở Hội Nhà văn Việt Nam với mong muốn hoạt động văn nghệ chuyên nghiệp. Cuộc đời ông gặp nhiều biến động, trắc trở cho đến khi qua đời.
Nhưng cho dù trong mọi tình huống, ông vẫn là người cách mạng chân chính luôn ưu dân ái quốc, là một trí thức ngay thẳng, chân tình, luôn suy nghĩ, chiêm nghiệm, giữ trọn chính kiến và niềm tin cho đến phút cuối cùng. Dù cuộc đời gặp nhiều khó khăn, sóng gió nhưng Vĩnh Mai đúng là người mà “Uy vũ bất năng khuất, bần tiện bất năng di” như người xưa đã nói. Huân chương Độc lập cao quý truy tặng cho ông, đã ghi nhận phần nào cuộc đời của một trí thức văn nghệ sĩ đích thực.
Bây giờ, trong không khí cởi mở hơn nhiều, chúng ta hay nói đến phản biện. Nhưng trong không khí thời chiến căng thẳng của thời kỳ chống Pháp, Vĩnh Mai đã không rập khuôn mà có lối tư duy độc lập, luôn có đầu óc phản biện để làm sáng tỏ chân lý. Chẳng hạn như khi học chính trị về kháng chiến trường kỳ nhất định thắng lợi, Vĩnh Mai đã thuyết phục cả hội trường bằng lý luận sắc sảo của mình rằng điều đó sẽ là hiện thực. Nhưng khi đổi bên để tranh luận, thì một mình Vĩnh Mai cũng đã lập luận rằng kháng chiến trường kỳ nhất định sẽ không thắng lợi và cả hội trường cũng đã chịu thua. Tất nhiên, trước sau Vĩnh Mai vẫn là người cộng sản trung kiên, tin và chung thủy với điều mình đã chọn. Nhưng ví dụ trên cho thấy sinh động về một trí thức năng động trong tư duy và biện luận, luôn biết trăn trở tìm tòi phản biện, mà mục đích là để vinh danh lẽ phải, không thụ động nghe theo những tín điều đóng gói, dù nó được nhiều người coi là đúng đắn.
Ngày nay, chúng ta nói nhiều đến cải cách hành chính, giảm bớt những cuộc họp không cần thiết, điều mà nhà thơ Xô Viết Maiacôpxki đã từng kêu lên trong bài thơ “Những người loạn họp” thì nhà thơ Vĩnh Mai cách đây hơn nửa thế kỷ đã than phiền bằng thơ trào phúng, một mảng sáng tác khác của ông chưa được nhiều người biết đến:
Ngang lưng thì thắt phương châm
Đầu đội chính sách, tay cầm chủ trương
Đôi chân đứng vững lập trường
Hữu thân hữu họp không đường mà ra?
Một tính cách ngay thẳng, cứng cỏi như Vĩnh Mai dĩ nhiên là coi thường, khinh ghét những kẻ cơ hội, xu nịnh, giả dối, bất tài mà luồn lọt, hại người. Vì vậy ông đã có bài thơ châm “Có một chàng”:
Trời đất sinh ra có một chàng
Chỉ tài nịnh hót với huênh hoang
Gặp trên khúm núm lưng tôm bạc
Thấy gái nho nhoe đít cá vàng
Viết chẳng ra văn nhưng lách giỏi
Làm không được việc lại chơi sang
Suốt đời chỉ một anh dang dở
Chính trị nửa mùa văn nghệ lang!
Cũng với cá tính như thế nên Vĩnh Mai hay bị góp ý phê bình, thậm chí nhiều lúc phải ngồi viết kiểm điểm. Một hôm như vậy, ông bèn ngồi viết bài thơ tự trào có tên là “Cái lưng”:
Cái lưng anh giống cây chò
Đứng giữa mưa dầm, giữa gió to
Không biết nghiêng qua không biết uốn
Chả hay còng lại chả hay bò
Lắm khi thiên hạ leo lên cưỡi
Nhiều lúc người đời xúm đánh cho
Mới biết ngay lưng là khổ thế
Đêm đông cũng không được nằm …co !
Trí thức chân chính là người hay nghĩ, trước hết là nghĩ về vận mệnh đất nước, số phận nhân dân. Ngay khi miền Bắc trở lại hòa bình sau cuộc kháng chiến chống Pháp, nhà thơ đã nhìn thấy những căn bệnh của hòa bình, những nguy cơ phải được nhìn thấy và giải quyết. Trong nhật ký của mình (đã được xuất bản trong hồi ký văn học “Sống với nhà thơ Vĩnh Mai”, nhà xuất bản Thuận Hóa năm 2003), nhà thơ trăn trở viết: “Sao ngày nay về đến nông thôn, ngoảnh mặt vào đâu cũng có thể thấy tự tư tự lợi, cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, cằn cọc.
Cùng đảng viên với nhau trong một tổ, cùng ăn sương nằm đất với nhau trong hồi kháng chiến, cùng xã viên trong một hợp tác xã với nhau, cùng bà con thôn xóm với nhau, sao họ nỡ vì một giòng rau muống, vì một cụm lúa nỡ đánh chết của nhau con gà, con vịt? Vì sao chỉ vì ít nước, đường cày, bờ ruộng mà họ nỡ chửi bới nhau suốt mấy ngày …”
Cũng trong cuốn hồi ký này, nhìn thấy nguy cơ của căn bệnh khao khát làm quan, tham danh, hám lợi, nhà thơ đã thốt lên: Thuốc nào chữa được bệnh khanh tướng?
Năm 2001, nhà thơ Vĩnh Mai được Chủ tịch nước truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì, một sự vinh danh cao quý. Cuộc đời và nhân cách của ông từ lâu đã được nhiều đồng nghiệp, bằng hữu và hậu thế ngưỡng vọng . Nên nhiều người vẫn ao ước rằng: Giá như đời này có được nhiều hơn một Vĩnh Mai!
Nguồn: Báo Quảng Trị