Không còn phải vất vả cuốc bộ, lần theo những lối mòn vắng vẻ, sâu hun hút giữa đại ngàn, hôm nay đã có đường vào bản Cuôi, Tri đã có con đường rộng rãi nối liền với trung tâm xã Hướng Lập (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị). Bà con gọi đó là “Đường 337” để tri ân tấm lòng của các cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 337 – những người luôn một lòng vì dân.
Trên tấm bản đồ cũ của người Pháp để lại, địa điểm mà Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 337 đứng chân được gọi là “Hang gió”. Quả thật, vùng đất này quá nhiều gió! Mỗi cơn gió ở đây quần đi, quần lại đến mấy lần vì bốn bề đồi núi giăng. Đón chúng tôi trong những đợt gió lạnh đầu xuân, Đại úy Trần Mạnh Hà, Trợ lý tuyên huấn, Phòng Chính trị, Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 337 ân cần hỏi thăm tình hình sức khỏe. Sau khi nghe nguyện vọng được đến bản Cuôi, Tri để mục sở thị đời sống của người dân vùng khó, Đại úy Hà vui vẻ nói ngay: “Trước đây, đường đến bản Cuôi, Tri khó đi lắm, đặc biệt là lúc mưa gió. Nhiều người chỉ đi được 1/3 đoạn đường đã… đầu hàng, quyết định trở ra trung tâm xã. Giờ thì khác rồi, đường vào bản Cuôi, Tri đã được mở. Ô tô, xe máy có thể ra vào thoải mái”.
Cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 337 làm nhà tái định cư cho người dân bản Tri
Đến giờ, các cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 337 vẫn nhớ như in lối mòn ngoằn ngoèo, lên dốc, xuống đèo dẫn đến bản Cuôi, Tri. Chỉ 13 km nhưng khách bộ hành phải trèo đèo, lội suối gần một ngày trời. Trở về, khi nghe nhắc đến tên hai bản, một số người vẫn sởn gai ốc. Thế mà, phần lớn cán bộ, chiến sĩ 337 đều không thể nhớ hết số lần mình “hành quân” đến bản Cuôi, Tri. Một chiến sĩ kể: “Những lần đầu vào bản Cuôi, Tri, cứ qua mỗi con suối, anh em lại ngắt một chiếc lá để… đánh dấu. Cứ thế, qua 54 lần ngắt lá, chúng tôi mới đến bản”. Mùa mưa, con đường vào bản Cuôi, Tri gần như biến mất. Hai bản hoàn toàn chia cắt với cuộc sống bên ngoài.
Cũng vì nằm sâu giữa đại ngàn nên cuộc sống dân bản Cuôi, Tri gặp vô vàn khó khăn. Nơi đây, bà con không có điện, đường, trường, trạm, nước sạch… Chuyện thật như đùa, một số người dân ở bản khi ra trung tâm xã, nhìn thấy bóng điện phát sáng đều giật mình vì chẳng hiểu tại sao chiếc đèn dầu lại có thể… treo ngược. Khổ nhất là khi có người ốm nặng, dân bản lại hì hục cột võng để khiêng tới trạm xá. Đến nơi, cả người nhà lẫn bệnh nhân đều rã rời. Cũng vì lẽ đó nên bà con ở đây vẫn còn cậy nhờ thầy cúng để chữa bệnh. Mỗi lần có người đau ốm, đàn cúng Giàng, cúng ma lại nghi ngút khói, xập xèng tiếng phèng la. Những hủ tục cứ thế dai dẳng đeo bám người dân bản Cuôi, Tri từ năm này sang năm khác. Đói nghèo cộng với lạc hậu khiến cuộc sống người dân nơi đây chẳng khấm khá lên được.
Thực tế ấy không chỉ khiến chính quyền và nhân dân địa phương mà cả cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 337 rất trăn trở. Những người lính luôn nêu cao tinh thần một lòng vì dân nghĩ, phải mở một con đường để đồng bào bản Cuôi, Tri thoát nghèo, thoát khổ. Ý tưởng ấy nhanh chóng đi vào hiện thực. Các cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 337 đã không quản ngại gian lao, làm từng mét đường cho dân. Vượt nắng, thắng mưa, cuối cùng, con đường dài 13 mét đã được hoàn thành. Bên cạnh đó, Đoàn 337 còn lồng ghép, phối hợp với huyện Hướng Hóa san ủi mặt bằng rộng 3,8 ha để dân bản Tri ở khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ quét, lũ ống có nơi ở mới. Đơn vị bố trí phương tiện và cử gần 50 cán bộ, chiến sĩ, tri thức trẻ tình nguyện giúp 34 hộ dân tháo dỡ, di dời nhà cửa. Được biết, khu tái định cư có đầy đủ điện, đường, trường học, nước sạch, diện tích đất canh tác rộng… Không những thế, bộ đội 337 còn hỗ trợ dân bản Cuôi, Tri có “cần câu” để thoát nghèo với các mô hình kinh tế mới như: trồng lúa nước, cà phê, nuôi trâu bò, lợn, gà… Ông Hồ Tùng, trưởng bản Tri chia sẻ: “Bộ đội 337 không chỉ mở đường để dân bản đi lại mà còn giúp bà con vượt qua đói nghèo, lạc hậu. Dân bản không có lời nào diễn tả hết sự biết ơn của mình”.
Có con đường mới, dân bản Cuôi, Tri đều hết sức phấn khởi. Nhiều người cứ đi tới, đi lui trên đường như để khẳng định rằng, đây không phải giấc mơ. Ông Hồ Tun, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hướng Lập kể, có không ít công ty, doanh nghiệp đã tính chuyện làm đường cho dân bản Cuôi, Tri nhưng đều “đầu hàng” vì địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt. Riêng 13 km đường mà phải làm tới 7 đập tràn và 156 cống thoát nước. “Chỉ có cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 337 mới đủ kiên trì, chịu khó để hoàn thành con đường này”, ông Tun khẳng định. Và có lẽ không chỉ ông Hồ Tun mà hầu hết người dân bản Cuôi, Tri đều công nhận điều đó.
Với sự tri ân sâu sắc, người dân chọn tên “Đường 337” để đặt cho công trình nối liền bản Cuôi, Tri với khu vực trung tâm xã Hướng Lập. Đặc biệt, những chiếc xe đầu tiên lăn bánh trên con đường mới là của lãnh đạo huyện Hướng Hóa và chỉ huy Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 337. Các đại biểu vui mừng đến dự lễ phát động xây dựng thôn văn hóa ở bản Cuôi. Trong buổi lễ, bà con bản Cuôi và bản Tri đều có mặt đầy đủ. Họ bảo nhau, rồi đây, không chỉ đời sống văn hóa mà cả điều kiện kinh tế xã hội, an ninh, quốc phòng của hai bản Cuôi, Tri sẽ đổi thay theo hướng tích cực. Một ngày không xa, cuộc sống bà con chắc chắn bước sang trang mới, ấm no, hạnh phúc hơn, như sự kỳ vọng của lãnh đạo huyện Hướng Hóa, xã Hướng Lập và cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 337.
Chúng tôi rời bản Cuôi, Tri, niềm vui như được nhân lên khi mọi người nghe thông tin cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 337 đang nỗ lực từng ngày để hoàn thành con đường nối liền bản Cù Bai với bản Tà Păng. Đây là hai bản vùng sâu, vùng xa của xã Hướng Lập. Vì không có đường, nhiều năm qua, cuộc sống bà con quẩn quanh trong đói nghèo, lạc hậu. Thế mới hiểu tại sao người dân các bản làng ở phía Bắc huyện Hướng Hóa luôn trân quý cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 337.
Bài, ảnh: QUANG HIỆP – MẠNH HÀ