Chị Đoàn Thị Thanh Nga (32 tuổi, trú khóm Cao Việt, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) phải gánh nỗi buồn chất chứa khi con trai đầu đã chết, hai con trai sau cũng đang trong tình trạng nguy hiểm chết người với căn bệnh tương tự là xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn.
Gặp chúng tôi ở Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Trung ương Huế (TP Huế) một ngày giữa tháng 7, câu chuyện của chị cứ thế tuôn trào với liên tiếp dòng tâm sự đầy nước mắt, buồn đau từ bản thân người mẹ trẻ đang phải gánh chịu nỗi bất hạnh khôn cùng.
Nghề chị Nga là bán xoài ở chợ, chồng chị Phan Văn Thắng (46 tuổi) là nghề xe thồ ôm. Hai vợ chồng kết hôn năm 2001 khi chị tròn 18 tuổi. Một năm sau, chị sinh hạ được cháu trai đầu lòng tên Phan Văn Đức. Được vài tháng bỗng thấy con cứ ho kéo dài, vợ chồng đem cháu đi xét nghiệm tại Bệnh viện Trung ương Huế thì bác sĩ kết luận Đức bị xuất huyết giảm tiểu cầu kháng điều trị vô căn. Lượng tiểu cầu trong người cháu rất ít, phải truyền tiểu cầu giá 1 bịch 2 triệu đồng với rất nhiều lần.
Sau 6 năm trời đằng đẵng đưa con vào viện chữa trị, cơ thể Đức đã không đáp ứng được thuốc. Từ đó, bụng cháu cứ to ra, đi đại tiện ra chất như máu thể lỏng. Các bác sĩ chỉ chuyền dịch cho Đức chứ không thể cho ăn.
“Cháu cứ đòi ăn vì thiếu chất cung cấp theo đường ăn. Nhìn con nhỏ từng tiếng nói còn bập bẹ, chưa một ngày đến trường mà nằm suốt trên giường bệnh, em và chồng không cầm được nước mắt. Cứ thế, phần bụng và mặt của cháu ngày càng to vì tích nước. Giai đoạn cuối cháu liên tục đòi ăn vì thèm quá nhưng không được. Liên tục chuyền máu, chuyền tiểu cầu, chuyền đường… vào người làm cháu giãy giụa quá tội. Lúc cháu mất, cháu nói được 2 tiếng ‘Trời ơi, cứu con với, trời ơi cứu với’ rồi ra đi” – chị Nga kể.
Cháu Phan Văn Đức đầu lòng của chị Nga đã mất vì căn bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn
Trong thời gian chăm Đức lúc còn sống, vợ chồng chị Nga bị vỡ kế hoạch và sinh được thêm cháu Phan Văn Đô vào năm 2004. Tuy nhiên, như một dấu hiệu không tốt, trong những ngày đầu, Đô đi phân ra máu. Được 1 tuổi, lo lắng sức khỏe cho cháu nên vợ chồng anh chị đưa cháu đi khám ở Bệnh viện đa khoa Đông Hà, thì kết quả như sét đánh ngang tai khi cháu cũng bị xuất huyết giảm tiểu cầu.
Năm mà anh trai Đô mất (2008) cũng là năm Đô bị bệnh nặng, phải đưa vào Bệnh viện Trung ương Huế điều trị. Lúc này, điều không muốn tin của gia đình cũng trở thành sự thật. Các bác sĩ ở Trung tâm Nhi khoa tại bệnh viện chẩn đoán Đô đã bị xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn như anh trai. Và sự sống của cháu, thật đau đớn, lại phải đếm ngược.
Gia đình đã nghèo nay càng kiệt quệ. Vì phải chăm con ngày đêm nên chị Nga đành phải nghỉ bán xoài ở chợ. Có một số đợt được tạm nghỉ điều trị, bác sĩ cho về quê thăm quê, tới nhà thì Đô bỗng xuất huyết, chảy máu mũi, ở lưỡi nổi từng cục bằng hột bắp và đau đầu nên phải nhập viện lại. Từ Tết 2016 đến giờ, có một đợt cháu được cho về quê là ngày tết Đoan ngọ, tuy nhiên, khi mới nằm ở quê một đêm, sáng mùng 5 hôm sau cháu đã đau lại, nhà tổ chức mâm cơm cúng nhưng không ăn uống được gì, chị Nga phải đưa Đô lên xe trở lại bệnh viện Trung ương Huế.
Sau đó vài hôm, Đô rên la vì bị đau ở tai trái. Khám xong, bác sĩ phát hiện trong tai trái Đô có 1 ổ dịch được cho là virus tấn công vào máu. Điều trị được 3 tuần, cháu được phẫu thuật. Trước khi lên bàn mổ, bác sĩ phải nói gia đình làm giấy cam đoan vì tình trạng giảm tiểu cầu nhiễm trùng máu của Đô đã đến giai đoạn nặng. Phải mổ đến 5 lần trong vòng một tuần tại khoa Tai – Mũi – Họng, máu trong tai Đô cứ tuôn xối xả, hiện phần tai trái của em vẫn đang đắp bông băng trắng toát.
Cháu thứ hai là Phan Văn Đô đang mang cùng căn bệnh với người anh quá cố, hiện bệnh cháu khá nặng
“Cháu Đô học giỏi và thông minh lắm chú, dù bệnh tật nhưng cháu vẫn gắng đi học hết được 5 năm tiểu học. Năm nào cháu cũng đạt học sinh giỏi vượt khó và có phần thưởng từ trường. Nhìn nó lanh lợi nhưng bị bệnh tật vây quanh từ nhỏ đến chừ, em thực sự không biết phải xoay sở sao với bệnh tình của con. Năm nay bệnh tình ngày càng nặng hơn nên Đô không thể tiếp tục học lên lớp 6 được nữa, phải nghỉ học và nằm viện suốt, em sợ cháu không trụ được lâu” – chị Nga khóc tâm sự với chúng tôi.
BS Châu Văn Hà, Trưởng Khoa Nhi Tổng hợp 2, Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Trung ương Huế) cho hay, hiện cháu Đô ngoài bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn, kháng điều trị thì còn bị nhiễm khuẩn đa đề kháng, có nguy cơ tử vong cao. Các y bác sĩ trong khoa cũng nắm được gia cảnh của chị Nga ngày càng khó khăn do Đô đã trên 6 tuổi nên bảo hiểm hạn chế. Do phải điều trị kháng sinh, truyền tiểu cầu đắt tiền, thuốc chống giảm tiểu cầu cũng đắt tiền, mỗi ngày truyền phải đến 2 triệu đồng nên gia đình đã như kiệt quệ.
Chị Nga đang kiệt quệ chăm con tại Khoa Nhi Tổng hợp 2, Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Trung ương Huế
Tuy nhiên sự đau khổ chưa dừng lại khi người con út thứ tư của chị Nga là Phan Văn Tuấn (SN 2013) lúc sinh ra tự nhiên nổi các vết lấm chấm toàn thân. Sau 1 tuần từ ngày sinh, cháu đi phân ra máu kéo dài suốt 1 tháng trời. Triệu chứng ấy như 2 người anh trước. Đưa vào Bệnh viện Trung ương Huế, Tuấn được chẩn đoán xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn và được uống thuốc như 2 anh trai. Khoảng 1 tháng, em phải vào viện 1 lần, nằm điều trị cùng giường với anh Đô. Hiện tại Tuấn ăn không tiêu và đi ra phân sống, thể trạng ngày càng suy dinh dưỡng. Với căn bệnh quái ác như 2 anh, cả nhà đều rớt nước mắt vì biết Tuấn cũng không thể sống lâu.
Con con út của chị Nga – cháu Phan Văn Tuấn cũng bị mắc căn bệnh chết người như 2 anh trai
Do kinh tế cả mấy mẹ con ốm đau giờ chỉ phụ thuộc vào người chồng đi xe thồ ôm, hàng ngày chỉ được chừng 100 đến 200 ngàn. Ông bà nội thì già yếu không làm ra tiền, bà ngoại ở Tân Lập, Khe Sanh bán bánh lọc rất nghèo khó càng không giúp được gì, anh chị em vợ chồng chị Nga cũng không nhờ được, nên hiện kinh phí ăn uống, sinh hoạt và nhất là việc điều trị cho Đô và Tuấn làm vợ chồng chị quá túng quẫn. Chiếc sổ đỏ nhà chị Nga đang ở cầm cố ngân hàng được 70 triệu. Tiền đến nay cũng hết, chị vay thêm được 20 triệu nữa và đang cầm cự. Hết đường, chị Nga phải nhờ bà con rao bán đất và căn nhà ọp ẹp với giá 150 triệu. Có người tới hỏi định mua nhưng cuối cùng bỏ đi vì thấy bàn thờ cháu Đức nên ai cũng sợ gặp điều không may.
Trong 4 người con, chị Nga chỉ có duy nhất cháu gái thứ ba là Phan Thanh Tâm (SN 2012) may mắn đến nay không bị bệnh gì. Do mẹ phải ở viện tại Huế suốt với anh trai nên Tâm phải ở nhà một mình cùng cha, lúc nào em Tuấn không điều trị tại Huế thì Tâm có nhiệm vụ chăm sóc em ở nhà, đỡ đần thêm cho cha mẹ đang quá vất vả, cùng cực.
Hai chị em Tâm và Tuấn tự đỡ đần nhau lúc bố mẹ vắng nhà
Gặp chúng tôi, chị Nga như bắt được một tia hy vọng, chị cầu mong sẽ có được sự quan tâm từ mọi người và cộng đồng vì hiện tại, chị và chồng quá kiệt quệ, không còn cố gắng được nữa. Cầu xin những tấm lòng hảo tâm hãy mở rộng tấm lòng, để giúp đỡ cho gia đình chị Nga vượt qua cơn hoạn nạn.
Mọi ủng hộ xin gửi về:
Chị Đoàn Thị Thanh Nga – Khóm Cao Việt, Thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Hiện chị Nga đang chăm con tại Phòng 407, Khoa Nhi Tổng hợp 2, Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Trung ương Huế. ĐT: 0164.472.3717
Nguồn: Dantri.vn