Di tích lịch sử Cầu Hiền Lương – Vĩ tuyến 17

Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải, tại thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Cũng tại nơi đây, đã từng diễn ra những cuộc “chọi loa”, “chọi cờ” quyết liệt trong Chiến tranh Việt Nam. Thời kỳ đó, cầu Hiền Lương là ranh giới chia cắt Việt Nam thành hai quốc gia (trong suốt 21 năm, từ năm 1954 đến năm 1975). Còn ngày nay nó đã trở thành biểu tượng của “nỗi đau chia cắt”.

hien-luong

Năm 1954, sau khi để thua trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, Pháp đồng ý trao trả độc lập cho Việt Nam theo Hiệp định Genève. Sông Bến Hải ở vĩ tuyến 17 được chọn làm ranh giới chia Việt Nam thành hai vùng tập trung quân sự: Quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rút về miền Bắc, quân đội Liên hiệp Pháp rút về miền Nam. Thoạt tiên việc chia thành hai vùng quân sự này không có ý nghĩa về lãnh thổ hay chính trị, và chỉ có giá trị trong vòng hai năm, từ năm 1954 đến năm 1956 rồi sau đó sẽ tổ chức cuộc tổng tuyển cử để hoàn toàn thống nhất đất nước. Sau khi thiết lập ranh giới phi quân sự, theo hiệp định, quân đội Việt Minh từ miền Nam phải tập kết ra Bắc, quân đội Pháp từ miền Bắc phải tập kết vào Nam. Giữa hai quân đội là “Vùng phi quân sự” tính từ 5 ki-lô-mét từ mỗi bên Sông Bến Hải được sử dụng làm “vùng đệm” nhằm tránh sự xung đột (hoạt động thù địch) có thể xảy ra giữa hai quân đội.

“Cách một con sông mà đó thương đây nhớ
Chung một nhịp cầu mà duyên nợ cách xa”

Một dòng sông rộng không quá 100 mét, một chiếc cầu dài 178 mét, với 894 tấm ván bắc qua mà dân tộc Việt Nam phải đi suốt 21 năm ròng, đổi không biết bao xương máu (Ba nghĩa trang liệt sĩ quốc gia và hàng ngàn nghĩa trang trong khắp cả nước với hàng vạn cán bộ chiến sĩ và đồng bào ta đã ngã xuống). Có những trận chiến ác liệt với bom đạn, và cũng có những trận chiến ác liệt nhưng không một tiếng súng. Những cuộc đấu trí, đấu lý rất gay gắt và quyết liệt giữ ta và Địch bên lề giới tuyến 17.