Bà Ngô Thị Vân, 63 tuổi, ở thôn Tân Thuận, xã Tân Lập, huyện Hướng Hóa. Trước đây từ một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã vươn lên thoát nghèo nhờ nghề làm bánh bột lọc. Chính nhờ nghề này mà bà đã nuôi các con ăn học, xây dựng nhà cửa khang trang, ổn định cuộc sống.
Bà Vân cho biết: “Tôi cùng chồng đi kinh tế mới ở xã Tân Lập vào năm 1975. Ít lâu sau khi sinh được 2 cháu trai sinh đôi thì chồng tôi đột ngột qua đời vì bệnh tật. Lúc đó tôi cảm thấy hụt hẫng, tuyệt vọng khi người đàn ông trụ cột của gia đình đã ra đi, càng thương xót các con phải sớm chịu cảnh mồ côi, trách nhiệm vừa làm mẹ, vừa làm bố đè nặng lên vai. Tôi đã làm đủ nghề, bươn chải để nuôi các con. Cuộc sống tuy vậy cũng vẫn hết sức nghèo khó, gia đình thuộc diện hộ nghèo nhất, nhì ở xã. Năm 2005, tôi quyết định chuyển sang nghề làm bánh bột lọc, đời sống gia đình dần được cải thiện và khấm khá lên từ đó”.
Vốn sinh ra và lớn lên ở thôn Mỹ Chánh (Hải Lăng), nên từ nhỏ bà Vân đã biết được cách làm bánh lọc sao cho hấp dẫn, ngon lành. Từ lúc theo chồng, rồi bận bịu mưu sinh, bà ít có thời gian làm bánh, chỉ lúc nào công việc rảnh rỗi, nhớ nghề bà lại mua bột sắn về làm cho chồng, con ăn. Sau này, trong một lần làm bánh bột lọc thờ cúng trong ngày giỗ, tết, bà được nhiều người khen có tay nghề làm bánh ngon, ngon từ bánh đến nước mắm dùng. Được sự động viên của mọi người, bà Vân quyết định mở quán bán bánh bột lọc trước sân nhà.
Bà Vân nhớ lại: “Lúc đầu mới mở quán, tôi tự mua củ sắn về xay, lọc bột ở nhà. Bây giờ chỉ cần ra chợ là có bột đã nhồi sẵn, mình mua về làm thôi. Ngày đầu tiên bán bánh, bà con lối xóm đến mua rất đông và dành cho tôi những lời khen rất chân thật. Nghề làm bánh bột lọc đã giúp tôi vượt qua những ngày tháng cơ cực. Cùng với đôi bàn tay, sự cần cù, chịu khó, tâm huyết với nghề mà quán bánh của tôi dần được người địa phương và các vùng khác biết đến và ủng hộ. Đó cũng chính là động lực để tôi tận tâm làm ra những cái bánh lọc ngon nhất và sống tốt với nghề hơn mười năm qua”.
Theo bà Vân, muốn tạo ra những chiếc bánh bột lọc ngon cần phải trải qua nhiều công đoạn công phu và tỉ mỉ. “Thứ quan trọng nhất là bột sắn, bột phải trắng, mịn, khi nhồi phải thật đều và nhuyễn. Tiếp theo là nhân bánh và nước mắm dùng phải đậm đà, cái này phụ thuộc vào bí quyết riêng của mỗi người làm bánh. Cuối cùng là chọn lá để gói và khâu nấu bánh. Lá gói bánh thường dùng lá chuối rừng còn tươi, không rách hay sâu bệnh, dùng lá như vậy sẽ tạo ra hương vị riêng cho bánh và đảm bảo độ đẹp cho bánh khi chín. Khi nấu cần canh lửa vừa phải, đúng thời điểm bánh chín phải vớt ra, đậy kín trong thùng cách thủy”, bà Vân chia sẻ một vài kinh nghiệm làm bánh bột lọc của mình.
Bây giờ, những người sành ăn bánh bột lọc ở Khe Sanh, Hướng Hóa đều xem quán bà Vân là một “thương hiệu” ở vùng cao này. Chúng tôi đã chứng kiến cảnh nhiều chiếc ô tô đậu hàng dài trước quán bà Vân để thưởng thức bánh tại quán hoặc mua bánh mang về nhà.
Tò mò gặng hỏi mỗi ngày thu nhập của bà là bao nhiêu, bà Vân vui vẻ cho biết: “Hàng ngày, quán tôi nấu từ 7-10 nồi bánh, một nồi khoảng 70 cặp bánh, mỗi cặp bánh bán 2.000 đồng nhưng không đủ bánh để bán cho khách. Mỗi ngày, trừ chi phí, tôi thu nhập từ 250-350 ngàn đồng, còn dịp gần tết khách thường đến mua đông, thu nhập sẽ cao hơn nữa”.
Từ một hộ nghèo, bà Vân đã vươn lên khá giả bằng nghề làm bánh bột lọc của mình. Sự cố gắng, tận tâm đó của bà rất đáng trân trọng.
Nguồn: Báo Quảng Trị