Nằm trong 1 con hẻm nhỏ của đường Gò Dầu, quận Tân Phú, TPHCM, quán bánh ướt của nhóm bạn CÀ MÈN được biết đến như một điểm tụ tập ăn vặt của cộng đồng người Quảng Trị tại TPHCM, với những món ăn đậm đà hương vị quê hương như bánh ước phương lang, bún nắm nêm, bánh bột lọc, bánh canh cá lóc… Vừa ngồi thưởng thức những món ăn tại đây, vừa được gặp những người con cùng quê hương.. được tự do nói chất giọng sệt màu bom đạn “răng – ri – mô – rứa”, được nghe những bản nhạc quê da diết… và đặc biệt đó là được cảm nhận hơi ấm quê hương. Một bữa ăn đậm chất gia đình , một chút tình người và một chút hồi tưởng. Đến đây bạn sẽ được một lần cảm nhận hương vị quê… Vị quê trong từng món ăn và vị quê trong tình người.
Trao đối với chúng tôi, bạn Nguyễn Đức Nhật Thuận, 1 thành viên trong nhóm cho biết: Với mong muốn đem hương vị quê hương mình với tất cả tình yêu thiết tha nhất vào Sài Gòn phục vụ bà con xa quê và quảng bá với bạn bè trong và ngoài nước. Ý tưởng đó được ấp ủ từ cái thời sinh viên và mãi cho đến bây giờ thương hiệu CÀ MÈN đó là cả 1 chặng đường gian nan, cố gắng hết sức mình của các thành viên trong nhóm.
Về bánh ướt Phương Lang
Từ bao đời, làng Phương Lang, xã Hải Ba, huyện Hải Lăng, Quảng Trị với nghề truyền thống làm bánh ướt trở thành nét văn hoá ẩm thực Quảng Trị đậm đà bản sắc quê hương. Mỗi khi nhắc đến tên Phương Lang là người ta đều nghĩ ngay đến món bánh ướt ngon nổi tiếng gắn liền với địa danh của làng.
Làng nghề bánh ướt Phương Lang ra đời cách đây gần một thế kỷ. Vì sự thơm ngon mà tiện lợi của loại bánh này nên từ khi ra đời, bánh ướt Phương Lang trở nên thân thuộc với người nông dân. Những con bánh mềm, thơm ngon còn theo chân những phụ nữ tảo tần trong làng đi khắp sơn cùng ngõ hẻm.
Cũng giống như bánh ướt ở các vùng khác trong cả nước, nguyên liệu chính làm bánh ướt ở Phương Lang chính là gạo. Gạo sau khi được vo sạch sẽ được ngâm nước trong một đêm. Sáng sớm hôm sau, thợ làm bánh sẽ tiến hành công đoạn xay gạo thành bột nước, rồi tráng trên hơi nước sôi. Cách tráng bánh rất đơn giản: dùng một miễng vải có độ dày vừa phải, tráng một lớp bột lên trên đó, sau đó để trên nồi hơi đậy nắp vung nồi nước sôi lại. Sau một lúc thì lấy bánh ra. Bánh phải được tráng không quá dày mà cũng không được quá mỏng. Sau khi tráng xong, bánh sẽ được xếp chồng lên nhau. Để bánh nguội rồi dùng hoặc có thể sử dụng liền. Khi dùng bánh, người bán sẽ tách từng cái bánh ra cuốn lại và cho lên dĩa.
Ăn cùng với bánh ướt là rau sống và tất nhiên là không thể thiếu đó là thịt heo luộc. Thịt heo luộc xắt lát có nhiều thịt nạc, miếng thịt chắc mà mềm, phần thịt mỡ săn giòn, ăn không ớn. Và cùng với đó là nước chấm. Nước chấm có thể làm ngọt hay mặn thì tùy vào thực khách yêu cầu nhưng trong nước mắm cần phải có ớt mới đúng vị, ớt phải là ớt tươi (ớt trái) được dã ra, nếu thực khách có nhu cầu có thể dùng thêm ớt trái được ngâm dấm. Người ăn bánh tráng thịt heo vừa thưởng thức vị bánh còn đâu đó mùi vị của gao, vừa thưởng thức cái vị béo và thơm của thịt heo và vừa hít hà vì cái vị cay cửa ớt. Từng đó mới đúng vị của bánh ướt Phương Lang.
Một số hình ảnh tại quán