Cái nôi làm giàu Hướng Hóa

Năm 1998, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định quy chế khuyến khích phát triển kinh tế và thương mại Lao Bảo với mục đích đưa Quảng Trị đi lên. Từ đó quy hoạch, định hướng đã được lấp với vùng đất phủ rộng bao gồm thị trấn Lao Bảo, thị trấn Khe Sanh cùng các xã: Tân Thành, Tân Long, Tân Lập, Tân Liên, Tân Hợp huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Thì nay, sau 15 năm phấn đấu và phát triển diện mạo tầm vóc của một vùng đất mới đã được hồi sinh thay da đổi thịt từng ngày.

Muốn làm giàu nên đến Khe Sanh

Tổng quan quy hoạch Khu kinh tế – thuong mại đặc biệt Lao Bảo

Chuyện xưa ở Lao Bảo-Khe Sanh

Thật ra, hơn một thế kỷ qua, Lao Bảo – Khe Sanh là địa danh nổi tiếng gắn liền với lịch sử đấu tranh của dân tộc. Ngày đó thực dân Pháp thành lập những đồn điền cà-phê lên từ năm 1908. Sau đó thì họ đã xây dựng nhà tù Lao Bảo để giam cầm người Việt yêu nước tham gia vào các phong trào chống Pháp. Nhưng các thế hệ cha anh đã làm lên những bản anh hùng ca vang vọng đến tận hôm nay.

Khi thực dân Pháp thất trận ở Điện Biên Phủ thì người Mỹ đã nhảy vào Việt Nam thế chân. Đạo quân viễn chinh Hoa Kỳ chọn Khe Sanh làm cứ điểm quân sự quan trọng với sự hiện diện của sư đoàn 3 Thủy quân Lục Chiến. Năm 1968, khi những phát súng đầu tiên của những người lính QĐND – VN khai hỏa, các tờ báo hàng đầu thế giới, đồng loạt ví von Khe Sanh như trận chiến Điện Biên Phủ thứ hai. Khe Sanh lại viết tiếp khúc anh hùng ca của lớp người “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Ngày đó, con Đường 9 nối từ Lao Bảo qua Khe Sanh xuống Cam Lộ đến Đông Hà đường đất đá lởm chởm do sự cày xới của bom đạn. Hai bên đường cây cối trơ trụi, núi đồi héo khô bởi thuốc khai quang (chất độc màu da cam-dioxin) và bom Napal thiêu rụi không nhìn đâu ra được sự sống. Năm 1971, Đường 9 lại một phen dậy sóng, khi chính quyền Sài Gòn xua cả một quân đoàn vượt qua biên giới. Lao Bảo, Khe Sanh lại lên tiếng thét kiêu hùng. Thì ra, ở trong vùng đất chết đó, vẫn còn những con người sống hiên ngang, vượt lên mọi khó khăn, khắc nghiệt chỉ vì hai tiếng quê hương. Họ đã dùng sức người để đội bom, chặn đường xe tăng, thiết giáp, khóa chặt đường rút về của một quân đoàn hoảng loạn, tan rã, để có thêm một chiến thắng thần kỳ.

Muốn làm giàu nên đến he Sanh

Thủy quân lục chiến Mỹ rút khỏi Khe Sanh (ảnh chụp ngày 1/7/1968 tại sân bay Tà Cơn- TL)

Chiến tranh đi qua, người Quảng Trị cần cù, nhẫn nại, bắt đầu xây dựng lại Lao Bảo, Khe Sanh từ những hoang tàn đổ nát. Vẫn sức người là chính. Niềm tin và mơ ước trong trái tim của mỗi con người là sớm được nhìn thấy một quê hương thay da, đổi thịt, một Lao Bảo, Khe Sanh kiên cường, bất khuất trong chiến tranh sớm trở nên giàu mạnh ở buổi thanh bình.

Muốn làm giàu nên đến Khe Sanh

Lao Bảo-Khe Sanh ngày nay

Không ai có thể hình dung được rằng, chỉ một thời gian ngắn sau ngày hòa bình lập lại, trên vùng đất chết Lao Bảo – Khe Sanh, nơi một ngọn cỏ cũng không vươn lên được vì đạn bom cày xới suốt những năm dài chiến tranh khóc liệt. Nhiều chuyên gia ước tính, chí ít cũng vài thập kỷ sau, người ta mới có thể làm sạch số bom mìn chưa nổ còn nằm dưới mặt đất. Ấy thế mà con người Lao Bảo, Khe Sanh đã bất chấp tất cả. Họ đã tưới mồ hôi và cả máu xuống mảnh đất thiêng để phủ xanh những ngọn đồi cỏ cháy. Lao Bảo, Khe Sanh đã hồi sinh như một phép lạ, nhưng cái đói, cái nghèo thì vẫn còn “làm khó” người dân.

Cho đến khi Khu Kinh Tế-Thương Mại Lao Bảo ra đời 15 năm trước đây, chẳng khác nào có đôi đũa thần đã làm cho Lao Bảo, Khe Sanh thay da đổi thịt từng ngày. Vậy thì đồng bào các dân tộc anh em sống quay quần nơi đây như: Pa ko, Vân Kiều, Tà-Ôi, Kinh … đã giàu chưa? Chưa! Nhưng sẽ giàu. Hết nghèo đói chưa? Nghèo thì vẫn còn, nhưng đói thì hết. Nhưng chắc chắn trong một tương lai gần, Lao Bảo, Khe Sanh sẽ giàu mạnh. Nói thế, không phải chỉ là cảm tính mà hoàn toàn dựa trên nhưng dữ liệu đã và đang thành hình như: Tỉnh Quảng Trị đã đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ các khu chức năng: Khu Công thương mại dịch vụ, Cụm công nghiệp Tây bắc, Cụm cửa khẩu trên tổng diện tích 130 ha. Miền đất chết ngày nào giờ đã có trạm điện Lao Bảo trên lưới điện quốc gia 110 kw, Nhà máy thủy điện Rào Quán với công suất 76 mw. Bên cạnh đó còn có hai nhà máy nước Lao Bảo, Khe Sanh, cung cấp mỗi ngày 900 m3 nước sạch… Chỉ bấy nhiêu cũng đủ nói lên những đổi thay từng ngày ở nơi đây.

Làm sao người ta có thể hình dung được, hôm nay Lao Bảo – Khe Sanh đã có 400 doanh nghiệp, trong đó có 57 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng mức đầu tư trên 3.670 tỷ đồng, có 4 doanh nghiệp FDI với số vốn đầu tư trên 26 triệu USD và 2.600 hộ kinh doanh cá thể, 57 dự án đăng ký đầu tư với tổng số vốn 3.669.42 tỷ đồng, nộp ngân sách cho Nhà nước hàng năm lên tới 40 tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 362 phương án kinh doanh thương mại, dịch vụ đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư với số vốn đăng ký 1.010 tỷ đồng… . Đến nay, các dự án đầu tư tại khu vực đã giải quyết việc làm cho gần 3.500 lao động tại đia phương và gần 500 lao động gián tiếp tại các chi nhánh khác.

Để có được những thành quả rực rỡ đó, 15 năm qua, kể từ khi ra đời, khu Kinh tế-Thương mại đặc biệt Lao Bảo-Khe Sanh đã được vun xới bằng sức người, bằng sự quyết tâm xuống mảnh đất huyền thoại này. Tình đất, tình núi, tình sông và nhất là tình người. Từ những cấp lãnh đạo cao nhất tỉnh Quảng Trị, huyện Hướng Hóa, các ban ngành, đến từng người dân đã quên đồi bom đạn, gian khổ đi mà đã làm nên diên mạo cho Lao Bảo-Khe Sanh ngày nay.

Bây giờ, con Đường 9, từ cửa khẩu Lao Bảo về xuôi, đổ xuống cửa Tùng, cửa Việt, đã trở thành xa lộ với mặt đường trải nhựa phẳng phiu. Hai bên là những cánh rừng cà-phê và những vườn cây ăn trái xanh um màu lá với bốn mùa trái chín trĩu cành. Nằm cạnh Đường 9 là sông Sê Pôn, mùa khô hiền hòa như con suối cạn, luồng lách giữa những phiến đá, đủ các hình thù, đẹp như những hòn non bộ. Nhưng mùa nước thì dòng Sê Pôn trở nên hung hãn, với những cơn nghịch lũ, sẵn sàng cuốn phăng tất cả những gì ngăn cản dòng chảy của nó .Vẫn là nơi nắng lửa mưa dầm, nhưng Lao Bảo, Khe Sanh không còn cô đơn, nằm chơ vơ phía Đông Trường Sơn huyền thoại, cách biệt với những nơi thị tứ. Bởi vì giờ đây bản thân Lao Bảo-Khe Sanh đã là nơi thị tứ. Con Đường 9 gầy gò, lở lói năm xưa giờ là đoạn cuối của xa lộ Xuyên Á nối liền Myanmar, đi đến thành phố cuối cùng của đất nước Thái Lan là Mukdahan, rồi vượt sông Mê Kông bằng chiếc cầu hùng vĩ để sang thủ phủ Savannaket trên vương quốc Lào. Từ Savannaket, về xuôi gần 200 cây số nữa là chạm ngõ Lao Bảo của nước Việt.

Một sáng sớm chủ nhật một ngày chớm thu năm nay (2013). Một du khách người Mỹ đã lớn tuổi, ngồi trong một quán cà-phê tại Lao Bảo, nhìn ra núi rừng bạt ngàn một màu xanh cây lá. Nét mặt người lữ khách già tỏ ra rất hứng khởi, ông ta luôn miệng hát nhẩm vài câu trong bài “Beautifull Sunday”, một ca khúc rất thịnh hành từ 50 năm trước. Ông ta tên là Patrick, quê quán ở Florida. Patrick kể lại, năm 1968, lúc bấy giờ mới tròn 21 tuổi, ông ta đã có mặt tại Khe Sanh với tư cách là một người lính thuộc tiểu đoàn 1, trung đoàn 26 Thủy quân Lục Chiến Hoa Kỳ. Những gì mà Patrick chứng kiến ở Lao Bảo-Khe Sanh hôm nay hoàn toàn lột xác so với Lao Bảo-Khe Sanh ngày trước. Đó là một sự thay đổi kỳ diêu. Cựu binh Patrick nói: “Ngày đó, tôi là môt chàng trai trẻ, đầy nhựa sống, còn Khe Sanh là một cô gái già xấu xí, cằn cỗi và lem luốc. 45 năm sau trở lại, tôi là một lão già xấu xí, còn Khe Sanh trở thành một thiếu nữ vừa xinh đẹp vừ kiêu kỳ.. Tôi yêu Việt Nam, yêu Khe Sanh vô cùng. Tôi sẽ trở lại nơi đây để chứng kiến những đổi thay diệu kỳ hơn nữa”.

Muốn làm giàu nên đến Khe Sanh
Lao Bảo-Khe Sanh, nhìn về tương lai.

Quảng Trị nghèo khó, Quảng Trị đất cày lên sỏi đá, Quảng Trị khí hậu và thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt…đó là những điều không ai có thể chối cãi được. Nhưng có lẻ vì thế mà sức chịu đựng, sự cần cù, nhẫn nại và tính thủy chung của người Quảng Trị thì chẳng có nơi nào sánh kịp. Cứ nhìn vào Lao Bảo-Khe Sanh thì biết. Từ một vùng đất chết đã được phục sinh, từ không đến có…và rồi từ có đến giàu có chắc chẳng còn bao xa.

Nói như thế không phải chỉ là những mơ mộng viễn vông, mà là những suy tính dựa trên những cơ sở vững chắc. Trong tương lai gần, khi kinh tế toàn cầu vượt qua khủng hoảng và các quốc gia láng giềng trong khu vực phát triển hơn nữa. Chắc chắn Khe Sanh-Lao Bão sẽ là một chặng dừng chân lý tưởng trên con đường du lịch xuyên Á. Lúc bấy giờ khu Kinh tế, Thương mại Lao Bảo-Khe Sanh sẽ thu hút thêm nhiều những nhà đầu tư quốc tế tầm cỡ, theo đúng quy luật đất lành chim đậu. Chúng ta vững tin vào điều đó, như thế hệ cha anh vững tin vào chiến thắng sau cùng của cuộc chiến vệ quốc bằng ý chí và sức người vô tận của một đất nước anh hùng.

Nguồn: Báo Công Luận