Chị thở dài, nhìn xa xăm vào ánh đèn đường vừa mới bật sáng. Không biết chị đang tìm kiếm điều gì, chỉ thấy trong mắt của người phụ nữ chất chứa một nỗi buồn sâu thẳm mà nếu vô tình trượt lên, tôi ngờ mình sẽ không bao giờ chạm tới đáy.
Nỗi buồn của chị khiến không gian xung quanh bỗng như chững lại, mưa ngắt hột, gió không thèm thổi, một chiếc lá vàng cuối đông nặng nề rơi vì lẽ lìa cành thì phải chạm đất chứ nó cũng chẳng hề tha thiết chi. Mây đen xám xịt phủ kín bầu trời hệt như tâm trạng của những người đang ngồi đó.
– Từ ngày lấy chồng, đã năm cái Tết rồi chị chưa về. Còn hồi nớ, năm mô mắc chi thì mắc, chị cũng phải về cho được.
Lần này chị nói dài hơn, nhưng không có vẻ gì cho thấy nỗi buồn đã tan đi.
Chị lặng lẽ chào tôi ra về. Tự nhiên tôi buột miệng
– Tết này Cà Mèn sẽ gửi chị món quà. Chị chờ em nhé.
– Thôi tụi bây buôn bán được bao nhiêu mà bày vẽ. Thôi chị về đây.
Tôi biết đôi cân bánh ướt không nhiều nhặn gì, nhưng biết đâu thắp lên ánh lửa giúp lòng người bớt lạnh.
Bóng chị lẫn vào dòng người hối hả rồi mất hút. Chị đi lâu rồi nhưng tôi vẫn ngồi đó. Thẫn thờ. Ngẩn ngơ.
Tết là để về nhà
Ngay cả trong mơ tôi cũng không dám tin mình sẽ ở lại Sài Gòn, hoặc ở một chốn đất khách quê người để đón Tết. Dù có thể khẳng định, tôi yêu Sài Gòn không kém gì quê hương Quảng Trị.
Vì tôi sợ nghĩ đến hình ảnh đấng sinh thành mãi chờ đợi tôi. Một năm ròng rã, mẹ tôi đung đưa trên chiếc võng sau nhà, mắt ứa nước mắt mỗi khi nhớ con, thương con. Còn ba tôi, ông lặng lẽ đội nón lá lụi cụi ngoài vườn, sự cương nghị, rắn rỏi của một người đàn ông không cho phép ba chảy nước mắt. Nhưng tôi biết, trong lòng ba luôn nghĩ về những đứa con thơ như một phần máu mủ ruột thịt.
Tôi sợ cảnh đám bạn kéo tới thăm nhà, cười đùa vui vẻ rồi hỏi mẹ, răng thằng Thuận năm ni không về rứa O?
Mẹ tôi vẫn cười, nói hắn mắc việc quá nên không về được. Nhưng trong thâm tâm, tôi đoán mẹ như đứt từng khúc ruột.
Hơn hai mươi năm của đời người, tôi dường như nếm trải hết những cảm giác đau khổ day dứt, nhưng tôi luôn dặn lòng, chỉ cho phép buồn một mình. Dù cho thế nào, một giọt nước mắt của ba mẹ rơi xuống là tôi ngàn lần có lỗi.
Cho nên, dù bận trăm công nghìn việc, dù đường sá xa xôi cách trở, nhưng với riêng tôi, Tết là để về nhà.
Nhưng không phải ai cũng may mắn như tôi.
Tết Sài Gòn buồn lắm em ơi.
Tôi từng nghe nhiều anh chị đã từng đón Tết ở Sài Gòn kể lại, đường phố không một bóng người, nhà cửa, quán xá đóng cửa im ỉm. Nếu có điều gì đó đang hiện diện, thì có lẽ là tấm bảng in rõ to “Quán nghỉ, ra Tết bán lại” đang đung đưa theo gió.
Sài Gòn nhộn nhịp quanh năm, nhưng những ngày Tết khác hẳn. Có chăng chỉ đêm giao thừa còn chút hơi hưởng. Rồi sau đó, im bặt.
Đằng sau những cánh cửa đóng chặt then, hoặc là trống vắng vì ai nấy đã đi về quê, đi du lịch, đi thăm bà con họ hàng ở xa. Một nửa còn lại, cho những ai không may mắn phải đón Tết Sài Gòn.
Sau những cuộc điện thoại về nhà, thăm hỏi ba mẹ đã chuẩn bị gì để ăn Tết chưa, mấy đứa em có mua áo quần mới, mũ nón gì không, là những tiếng thở dài muốn não hết ruột gan.
Những căn nhà đóng kín cửa, để che đậy trong đó những nỗi buồn vô hạn, họ không dám mở cửa, vì sợ Sài Gòn biết, Sài Gòn sẽ buồn lây. Nào ai biết, Sài Gòn đã thôi vui từ dạo đám nhà quê nhao nhao lên xe tàu về quê ăn Tết.
Có năm ở ký túc xá, mới tháng mười hai, mấy đứa trong phòng đã mở bản Xuân này con không về. Nghe nhạc mà tự dưng đứa nào cũng rũ rượi. Mới chừng nớ đã buồn, Tết mà ở lại, chịu răng nổi?
Những đứa con xa xứ, mang trong mình nỗi nhớ quê hương da diết. Ngày ra đi ai cũng kịp dặn lòng, hẹn ngày về áo gấm cờ hoa. Rứa mà…
Bất giác nghe bên tai giọng ai thủ thỉ
Ước chi, Tết là được về nhà.
Xem thêm: Tặng vé xe tết miễn phí cho người Quảng Trị
Cà Mèn – Nguyễn Đức Nhật Thuận