Hướng Hóa: Màu xanh trên đất Tân Long

Hướng Hóa: Màu xanh trên đất Tân Long – Khi đặt chân đến vùng đất mới, những người nông dân quanh năm gắn bó với ruộng đồng đã chọn tên Tân Long để đặt cho quê hương thứ hai của mình. Địa danh đó, vừa để gợi nhớ đến mảnh đất Triệu Long, vừa thể hiện khát vọng đổi mới. Và trên chính miền quê ngày xưa nghèo khó ấy bây giờ là màu xanh bạt ngàn của cây chuối đang đem lại sự trù phú, ấm no, hạnh phúc…

Màu xanh trên đất Tân Long

Ai đã một lần đến xã Tân Long đều ngỡ ngàng trước màu xanh ngút ngàn của cây chuối. Vậy mà, 40 năm trước khi người dân xã Triệu Long (huyện Triệu Phong, Quảng Trị) gồng gánh lên đây lập nghiệp, vùng đất này mọc toàn lau lách, sim mua và chi chít hố bom. Cuộc sống khó khăn, vất vả đã khiến một số gia đình khăn gói ngược về quê cũ.

Những gia đình bám trụ lại miền quê mới với niềm tin “đất không phụ công người”, đã bắt tay vào tìm kiếm, trồng thử nghiệm nhiều giống cây trồng, vật nuôi. Và người dân xã Tân Long đã phát hiện ra cây chuối rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của xã. Bởi cây sinh trưởng nhanh, cho quả to tròn, có vị ngọt thơm, để lâu ngày vẫn không bị thâm đen. Tiếng lành đồn xa, tiểu thương nhiều nơi lặn lội tìm đến xã Tân Long để vào tận vườn nhà mua chuối. Không lâu sau đó, chuối Tân Long trở thành mặt hàng xuất khẩu. Và nếu như năm 2005, diện tích trồng chuối của toàn xã Tân Long là khoảng 400 ha thì đến nay con số ấy tăng gấp nhiều lần. Khi quỹ đất địa phương đã cạn, bà con nông dân xã Tân Long sang các xã lân cận và cả nước bạn Lào để hợp tác trồng chuối.

Để hiểu hơn cuộc sống của người dân xã Tân Long, tôi đến thăm gia đình ông Hồ Văn Đai (trú tại thôn Xi Núc). Gặp ông Hồ Văn Đai đúng lúc hai vợ chồng ông vừa từ rẫy trồng chuối trở về. Ông Đai vui vẻ cho biết: “Ở xã Tân Long có nhiều người giàu lên nhờ trồng chuối như hộ ông Đoàn Trang, Mai Chiếm Hữu, Võ Hoành, Võ Thiềm… Gia đình tôi là một trong những hộ đồng bào Vân Kiều đầu tiên thoát nghèo nhờ trồng chuối. Và chuối năm nay sinh trưởng nhanh, buồng đều, đẹp và nhìn rất bắt mắt, thật không uổng công vợ chồng tôi chăm trồng. Trồng chuối đầu tư vốn, công sức không nhiều. Cũng nhờ cây chuối mà gia đình tôi và nhiều hộ khác trong bản có thu nhập từ 100 – 200 triệu đồng/năm”.

Màu xanh trên đất Tân Long

Hiện nay, giá chuối trên thị trường khá cao và không còn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Gần đây, chuối Tân Long đã trở thành mặt hàng xuất khẩu sang Thái Lan. Từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi ngày các cơ sở thu mua trên địa bàn xã xuất khẩu hơn 50 tấn chuối sang nước bạn. Chuối xuất khẩu thường có giá trị kinh tế cao gấp đôi, thế nên hiện tại ở xã Tân Long số lượng những người giàu lên nhờ cây chuối ngày càng nhiều.

Còn nhớ, trước đây xã Tân Long từng được xem là điểm nóng về vấn nạn buôn lậu. Vì cái lợi trước mắt, một số người dân bỏ nương rẫy để đi buôn hoặc tham gia gùi cõng hàng thuê. Không lâu sau đó, bà con nhận ra rằng mình mất quá nhiều thứ khi chọn con đường này. Thấy nhiều người từ bỏ buôn lậu và trở nên khá giả nhờ trồng chuối, các hộ khác cũng “tỉnh mộng”. Họ lao động miệt mài với niềm tin có thể làm giàu nhờ đôi bàn tay.

Khi người dân biên giới hai tỉnh Quảng Trị – Savanakhet (Lào) hợp tác với nhau để trồng chuối, nạn buôn lậu ở khu vực biên giới giảm xuống đáng kể. Từ kinh nghiệm của mình, các gia đình ở xã Tân Long động viên bà con nước bạn Lào không tham gia hoặc tiếp tay cho hành vi buôn lậu, mà thay vào đó nên dồn sức làm ăn. Nhờ vậy, cuộc sống của cư dân ở hai bên biên giới ngày càng khấm khá.

Không còn mang nặng nỗi lo đói nghèo như những ngày đầu lập nghiệp, người dân xã Tân Long có điều kiện nâng cao đời sống tinh thần. Các phong trào như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Đền ơn, đáp nghĩa”, văn hóa – văn nghệ, thể dục – thể thao, giúp nhau làm kinh tế… nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Đến nay, 100% thôn, bản, đơn vị ở xã Tân Long được công nhận danh hiệu làng văn hóa, đơn vị văn hóa; 97% hộ gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa và 22 hộ gia đình được vinh danh gia đình văn hóa tiêu biểu. Tại từng thôn, bản, người dân đều xây dựng một đội văn nghệ, bóng đá, bóng chuyền… Hướng trái tim đến với cộng đồng, người dân của xã tự giác góp tiền của, công sức để làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa. Các hộ khá giả tự giác giúp đỡ hộ nghèo vươn lên bằng nhiều cách như cho vay vốn không lấy lãi; tặng cây, con giống; chia sẻ kinh nghiệm sản xuất…

Dù quen với nương rẫy, nhưng người dân xã Tân Long không để tư duy mình bó hẹp ở mảnh vườn, quả đồi. Họ luôn mong muốn thế hệ sau có bước tiến dài hơn thế hệ đi trước. Vì vậy, ai cũng động viên con cháu dựa vào cái chữ để “thắp sáng” tương lai. Hiện tại, các gia đình, dòng họ ở xã Tân Long đang thi đua nhau xây dựng mô hình “Cây chuối khuyến học”. Theo đó, sau khi thu hoạch một số gốc chuối theo quy định, gia đình sẽ dành tiền để đầu tư cho việc học của con em. Ở các nhà thờ họ, bà con cũng trồng chuối để gây quỹ. Số tiền bán chuối thu được dùng vào việc khen thưởng học sinh giỏi, nhận đỡ đầu dài hạn, trao học bổng cho học sinh… Bà Nguyễn Thị Thủy, một hộ dân địa phương chia sẻ: “Gia đình tôi và các hộ dân khác đều hưởng ứng mô hình này. Không chỉ giúp bà con làm giàu, cây chuối còn góp phần khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”.

Đến bây giờ, tháng ngày vất vả, gian khổ khi mới lên vùng đất mới lập nghiệp chỉ còn lại trong ký ức của người dân xã Tân Long. Chính sự quyết tâm cao, tinh thần đoàn kết và yêu lao động đã đưa cuộc sống bà con bước sang trang mới, ấm no, hạnh phúc hơn. Đất Tân Long xanh tươi cây chuối giờ đây đã thực sự “hóa rồng”.

Bài, ảnh: QUANG HIỆP – Báo Quảng Trị