Lâm Hoằng là vị quan đại thần của triều Nguyễn, đã có công lao to lớn trong việc xây dựng đất nước, chống lại quân xâm lược Pháp nửa cuối thế kỷ XIX.
Thành Trấn Hải ở Cửa biển Thuận An, Huế – nơi Lâm Hoằng tuẫn tiết
1. Lâm Hoằng – một đức tính kiên trì, ham học
Ông sinh ngày 28 tháng 2 năm 1824 (Giáp Thân) thuộc làng Gia Bình, xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.
Theo gia phả tại làng Gia Bình, kể từ cụ Thuỷ Tổ Lâm Kim Bảng đến cụ Lâm Hoằng ít nhất cũng được 7 đời nối tiếp sinh sống ở vùng rừng núi phía Tây Quảng Trị. Đến đời cụ Lâm Hoằng mới là người đầu tiên trong dòng dõi họ Lâm thi đỗ đến đại khoa. Hiện tại chưa tìm ra được tư liệu cho biết hoàn cảnh nào Lâm Hoằng được đi học, học ở đâu, với thầy nào. Nhưng theo tài liệu chính sử cho biết đến khoa thi Đinh Mão năm 1867 cụ Lâm Hoằng thi đậu Cử nhân (năm 45 tuổi); đến khoa thi Mậu Thìn 1868 thi đậu Phó bảng(1). Sách Đại Nam thực lục chính biên, Đệ tứ kỷ, Tập XXXI, NXB Khoa học xã hội (1975 – 1976), trang 208, ghi: “Năm 1867 cho những người sau đây đỗ Tiến sĩ (đệ II giáp: Vũ Nhự, đệ III giáp: Bùi Ước, Dương Khuê, Nguyễn Tái). – Đỗ Phó bảng: Võ Duy Tân (Tuân?), Nguyễn Quán (Hoan?), Nguyễn Thuật, Vũ Văn Bảo, Khuất Duy Hài, Hoàng Dụng Tân, Tô Huân, Phan Đình Vận, Lê Khánh Thiện, Lê Doãn Thành, Lâm Hoằng, Nguyễn Đình Tựu”. Trong danh sách trúng tuyển, Lâm Hoằng được xếp đứng thứ 14, có thể nói rằng tuy xếp sau những vị ấy, nhưng nếu nhìn chung cả nước, theo thể chế thi tuyển nhân tài hồi ấy rất chặt chẽ, nghiêm túc và trang trọng. Ba năm một lần nhà vua mới mở kỳ thi, một cuộc tuyển chọn cao nhất, khó nhất cho cả nước, tập trung hàng ngàn sĩ phu học rộng, tài cao tập trung cùng nhau đua tài, dưới sự trực tiếp xét duyệt của triều đình và nhà vua, và chỉ 15 vị được trúng tuyển. Có thể nói rằng, việc Lâm Hoằng đỗ đạt đại khoa, mở ra truyền thống khoa bảng; đây là niềm tự hào lớn không chỉ của dòng họ Lâm làng Gia Bình, mà là cả một niềm tự hào lớn của vùng đất nghèo khó tỉnh Quảng Trị.
Lăng mộ Lâm Hoằng tại xã Gio Bình, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị
2. Công tác nội trị, chăm lo cho dân
Lâm Hoằng là một vị quan có tấm lòng nhân ái, trung nghĩa, luôn thương yêu, chăm lo cho dân. Điều đó được thể hiện qua từng lời nói, hành động và việc làm của Ông. Do điều kiện của lịch sử, chiến tranh nên những bài văn, sớ tâu lên vua về việc nước, việc dân… và ngay cả bài văn sách của Lâm Hoằng trả lời câu hỏi trong đề thi khoa thi năm Mậu Thìn 1868 đã bị thất lạc, chưa sưu tầm được. Đó là một thiệt thòi, tuy nhiên trong chính sử của nhà Nguyễn và một số sách nghiên cứu lịch sử sau này đã ghi chép về một số lời nói, thái độ, và việc làm của Lâm Hoằng. Đó là những thông tin rất ít ỏi nhưng rất quý báu để minh chứng cho cốt cách và nhân phẩm của Ông trước thời cuộc đầy biến động lúc bấy giờ.
Đại Nam thực lục chính biên, đệ tứ kỷ, Tập XXXIV, trang 242 có ghi: “Năm 1879,… Bố chính tỉnh Quảng Ngãi là Lâm Hoành (Lâm Hoằng) tâu lên nói: dân tình thiếu ăn, chuẩn cho lấy gạo ở kho ra 4.000 phương để chuẩn cấp cho dân, Hoành (Hoằng) lại hiểu thị khuyên nhà giàu quyên giúp, gia thưởng đều có thứ bậc (500 quan trở lên thưởng 1 chiếc bài bạc, nặng 5 đồng cân, 1000 quan trở lên, thưởng 1 chiếc bài bạc, nặng 1 lạng)…vua không cho.” Đến trang 254, sách đã ghi: “ Bố chính sứ Quảng Ngãi là Lâm Hoằng dâng sứ tâu: dân hạt ấy quẩn bất ngày càng quá, xin trích lấy tiền gạo ở kho chuẩn cấp cho dân. Vua chuẩn trích ra 1 vạn quan tiền, 1 vạn phương gạo, lần lượt chuẩn cấp và giao cho các phủ huyện, cấp thuê dân nghèo sửa đắp cầu đường thay cho phát chẩn” Đến trang 303 (Sách đã dẫn) ghi: “Năm 1880,… Bố chính sứ Quảng Ngãi là Lâm Hoằng dâng sớ tâu: thuộc hạt ấy nhiều lần gặp mất mùa, lương thực của dân chưa thư, xin triển hoãn lại. Vua cho là tình hình các hạt tả, hữu trực kỳ cũng giống như tỉnh Quãng Ngãi. Nên cho hoãn kỳ tuyển lính cho các hạt, Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi”.
Những sự kiện mà Đại Nam thực lục chính biên đã ghi chép lại ở trên cho chúng ta biết rằng tình hình lúc bấy giờ, được thể hiện qua các điểm sau:
– Mất mùa triền miên nên dân tình đói nặng, khổ cực, hằng năm phải bị tuyển lính nên không đủ sức sản xuất. Trước cảnh tình cơ cực, cụ Lâm Hoằng dâng sớ tâu vua xin cho cứu dân, với ba biện pháp trước mắt là: Trích kho gạo của Nhà nước để chuẩn cấp; Khuyến khích nhà giàu quyên góp trợ giúp, bằng khen thưởng; Hoãn kỳ tuyển lính.
– Vua Tự Đức là một ông vua chuyên chế, trực tiếp quyết định mọi việc do đình thần tâu lên; nếu đã tâu lên mà bị vua bác bỏ thì có ai dám tâu lại, sẽ mắc tội là nghịch thần.
– Lâm Hoằng lúc bấy giờ với chức quan là Bố chính của một tỉnh, chưa phải là bậc đại thần của triều đình, không phải là cận thần bên vua. Việc Cụ tâu đi tâu lại nhiều lần mong nhà vua chấp thuận cứu đói cho dân đâu có dễ dàng, đôi khi còn mang vạ vào thân. Điều đáng lưu ý là năm 1879, Lâm Hoằng tâu xin vua chuẩn y việc cứu đói, nhưng vua Tự Đức không chấp thuận. Ông không rút lui mà tiếp tục tâu lên lần thứ hai. Ắt rằng trong lần tâu sau, lời lẽ văn chương của Lâm Hoằng đã trình bày chân thành thống thiết thế nào, và về nhân cách của một vị Bố chính thương yêu, chăm lo cho dân đã khiến cho vua Tự Đức chấp thuận những điều mà Lâm Hoằng đã tâu lên. Đại Nam thực lục chính biên, trang 255 ghi: “Nhân đó vua dụ rằng: dân tình ở Quảng Ngãi rất là đáng thương. Việc phát chẩn để cứu, hết thảy cứ đợi báo, thì dân đã khốn khổ lắm. Nên thông sức cho các địa phương, nếu có việc mà giống như thế, đều chiếu lệ mà làm, để hết trách nhiệm chăn dân, và hết sức bàn tính, làm thế nào cốt được sống nhiều người, để trên được đỡ lo dưới được giúp sức khẩn cấp mới xứng chức vụ”. Như vậy, với lòng tha thiết mong cứu được dân, không sợ mắc tội khi quân, khi tâu lại lần hai với vua Tự Đức, một vị vua chuyên chế, quan liêu. Chính điều này, đã thể hiện sự dũng cảm quên mình vì dân của ông. Và đã làm lay chuyển lòng trắc ẩn của vua Tự Đức. Vua đã đồng ý những điều mà Bố chính Quảng Ngãi đưa lên. Không những thế, lại còn mở ra được thuận lợi mới là từ nay, các quan địa phương được phép cứu giúp dân ngay khi gặp nạn đói nặng, không phải đợi nhà vua chuẩn cho nữa. Và như trên đã thấy, việc hoãn kỳ tuyển lính để cho dân có sức sản xuất, không chỉ trong phạm vi Lâm Hoằng phụ trách mà được thêm bốn tỉnh khác có cùng cảnh ngộ khó khăn. Rõ ràng, với tấm lòng nhân ái, thương dân, sự kiên trì, dũng cảm và khôn khéo trong từng lời trình tấu của Lâm Hoằng, mà kết quả đạt được nhiều hơn mong ước.
3. Xả thân vì nước
Năm 1882, sau khi đánh chiếm Hà Nội lần thứ hai, Hoàng Diệu tử trận, quân Pháp đánh rộng ra các tỉnh Bắc Kỳ và chuẩn bị tiến công cửa biển Thuận An, yết hầu sống còn của kinh thành Huế. Việc tăng cường phòng thủ trở nên cấp thiết ở ngay cửa ngõ này.Trước tình thế rất nguy cấp Lâm Hoằng tâu lên vua: “Cửu ngõ Thuận An là cửa ngõ kinh sư, sự phòng bị rất là quan yếu. Người giữ chức vụ nên phải mười phần sửa sang xem xét, để phòng sự việc không ngờ. Thế mà từ tháng trước đến nay, nhiều lần tiếp các nha tư khẩn cấp những đồ dùng ở bờ biển ấy, trong đó mục nát hư hỏng kể đến trăm nghìn, tu bổ không phải mười ngày kịp được, chợt có sự biến trông cậy vào đâu?” (Đại Nam thực lục chính biên,sđd, Tập XXXV, trang 118). Đến trang 119 (Sách đã dẫn) chép: “Quan viện cơ mật và Thượng bạc là bọn Trần Tiễn Thành(2) cho những lời nói ấy so với thời thế chưa phải là kế sách nên làm, mà việc phòng giữ ở cửa biển chưa được chắc chắn, làm thêm cũng chưa chắc đã vững bền, tỏ cho người biết bờ ngoài, chỉ thêm nghi ngờ bắt bẻ. Xin đình việc đắp luỹ ở Thuận An mà phải rút hết biền binh phải thêm về kinh chuyên việc huấn luyện…Vua nghe lời ấy bãi bỏ việc đắp luỹ thêm quân ở Thuận An”.
Như vậy, trong tình hình quân Pháp rất hung hăng, sắp đánh chiếm kinh thành, nạn mất nước sắp xảy ra. Trước tình thế đó Lâm Hoằng dâng kế gấp rút phòng thủ, trước hết củng cố tăng binh, đắp thành lũy ở cửa biển Thuận An vì do lâu nay bị xuống cấp, hư hỏng nhiều. Đồng thời vạch tội vô trách nhiệm của những vị quan chức đã bỏ bê việc phòng bị, không chăm sóc củng cố cơ sở chiến đấu mà để hư hỏng. Việc trình tấu sự xuống cấp ở cửa biển Thuận An là gián tiếp vạch tội Trần Tiễn Thành, người đứng đầu viện cơ mật nắm quyền quyết định kế hoạch quốc phòng. Đồng thời cũng là công khai đi ngược lại chủ trương cầu an của Trần Tiễn Thành, góp thêm tiếng nói kiên quyết của những người yêu nước không sợ giặc, mà quyết giữ đến cùng. Rõ ràng những thái độ của Lâm Hoằng là công khai và một sự thách thức, đối đầu rất dũng cảm đối với bọn cầu an đang có thế lực rất lớn ở triều đình, đứng đầu là Trần Tiễn Thành mà vua đang tin dùng. Đồng thời Ông cũng không sợ đụng chạm đến lòng tự ái của nhà vua cũng đang có ảo tưởng mong được giặc để cho yên. Vì vậy, vua đã nghe theo lời của Trần Tiễn Thành nên bãi bỏ việc củng cố đồn luỹ và cho quân trực chiến rút lui.
Tình thế rất khẩn trương, vua Tự Đức phải giao cho Tôn Thất Thuyết làm Thượng thư Bộ binh thay cho Trần Tiễn Thành sang làm Thượng thư Bộ lại, phái chủ chiến được thêm quyền thế, nhưng phái cầu hòa vẫn đang còn thế lực. Năm 1883, việc tăng cường phòng thủ ở cửa biển Thuận An được tiếp tục trở lại. Chính trong mấy tháng còn lại cuối đời của vua Tự Đức, Lâm Hoằng đang giữ chức Tham tri Bộ công được phái xuống của biển Thuận An sung chức Phó phòng luyện cùng hai quan võ đang trấn giữ thành là Hữu Quân Đô thống Lê Sỹ và Thống chế Lê Chuẩn trực tiếp tham mưu và thay mặt triều đình quyết định việc chống giặc.
Ngày 16/8/1883, Đô đốc Courbet thống lĩnh tám tàu chiến với nhiều đại bác 65 ly với sức công phá lớn và hơn ngàn lính Pháp kéo đến tiến đánh cửa biển Thuận An. Lâm Hoằng cùng các vị quan trấn giữ lên mặt thành trực tiếp chỉ huy quân lính chống trả mãnh liệt. Quân triều đình bắn súng thần công, nhưng do đạn quá thô sơ nên không đánh phá chìm tàu địch. Giặc Pháp cho hoả lực bắn trả ác liệt hơn, nhiều pháo luỹ bị phá huỷ. Sau ba ngày chống trả, nhiều quan binh của triều đình bị tử trận; không để rơi vào tay giặc, Lâm Hoằng đã gieo mình xuống sông tuẫn tiết. Thành Trấn Hải, Thuận An rơi vào tay giặc.
Với những công lao to lớn và sự hy sinh anh dũng của Cụ Lâm Hoằng trong trận quyết chiến với quân Pháp tại cửa biển Thuận An ngày 16 tháng 8 năm 1883, triều đình đã truy phong cho Lâm Hoằng là “Công Bộ Thượng thư”(3) và cho quân lính đưa về an táng tại quê nhà thuộc làng Gia Bình, tổng An Định, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị (nay là thôn Xuân Mai, xã Gio Bình, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị). Bài vị của Cụ được đưa vào thờ trong Đền Trung Chính của triều đình nhà Nguyễn.
Có thể nói rằng, cuộc đời và sự nghiệp của Lâm Hoằng là tấm gương sáng về sự hiếu học, yêu thương dân, luôn chăm lo đến đời sống của dân; đặc biệt là tinh thần yêu nước, sự xả thân, chống trả giặc đến hơi thở cuối cùng của ông trong trận ngày 16 tháng 8 năm 1883 đáng để người đời kính trọng, noi theo. Nhằm ghi nhận và tri ân đến những công lao to lớn đó, di tích lăng mộ Lâm Hoằng được công nhận là di tích theo Quyết định Số 2048/QĐ-UBND, ngày 31/10/2013 của UBND tỉnh Quảng Trị; đồng thời UBND tỉnh cũng thông qua đề án đặt tên các con đường, trong đó có đường Lâm Hoằng ở thành phố Đông Hà.
Đường Lâm Hoằng ở thành phố Huế
Chú giải:
1: Phó bảng: Văn bằng (sắc) do vua ban cho những người đậu kỳ thi Hội. Phó bảng(Tiếng Hoa: Ất tiến sĩ ) là một học vịtrong hệ thống giáo dục Việt Namthời nhà Nguyễn(1802 – 1845).Phó bảng là học vị ở dưới Tiến sĩ, trên Cử nhân. Người đi dự thi Hội mà không đủ điểm đỗ Tiến sĩ, được lấy đỗ thêm để khuyến khích, tên ghi vào một bảng phụ, nên gọi là Phó bảng. Thông thường đỗ Tiến sĩ người ta gọi là Giáp Khoa tiến sĩ, còn Phó bảng là Ất Khoa tiến sĩ. Văn bằng này có từ khoa thi Kỉ Sửu Minh Mạng thứ 10 (1829). Ai đã được đỗ Phó bảng rồi thì không được để lấy Tiến sĩ; trừ khi có mở khoa đặc biệt. Do đó người ta xem Phó bảng tương đương với Tiến sĩ (Trích: Nguyễn Q. Thắng – Khoa cử và giáo dục Việt Nam, NXB Tổng hợp TP HCM, 2005, trang 406).
2: Lúc này Trần Tiễn Thành đang là thụ Hiệp biện, tiến thự Văn Minh điện đại học sĩ, nắm quyền ở viện cơ mật, một vị đại thần được vua Tự Đức tin dùng.
3: Chức quan như là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ngày nay.
Nguồn: Báo Quảng Trị