Đó là năm tôi lên lớp 8, nhờ cô giáo chủ nhiệm mới, cô Lê Thị Sen, tôi cảm thấy ấm áp mỗi khi đến lớp. Bởi từ nhỏ, tôi sợ đi học đến phát khóc lên vì cái gì cũng không có. Ở tiểu học, ngày nào tôi cũng bị điểm tên và bị bắt đứng tại chỗ vì không đóng tiền học, lên cấp II mỗi tuần chỉ bị điểm tên một, hai lần, lần nào giáo viên cũng nói: “Khi nào đóng tiền? Ngày mai mời phụ huynh em lên đây…”. Những lúc như thế, tôi chỉ biết đứng im trong cái nhìn của bạn bè. Cùng lắm lại lặp đi lặp lại cái điệp khúc: “Em quên mang”. Tôi sợ đến nỗi mỗi khi ai đó nhắc đến tên mình hoặc tự mình đọc tên mình cũng thấy run bắn cả người. Chính vì đó, trong mắt tôi, hình ảnh thầy, cô giáo trở nên đáng sợ vô cùng. Hầu như 20-11 năm nào tôi cũng không đi đến nhà thầy cô theo bạn bè, cùng lắm chỉ góp với lớp vài ngàn đồng để lớp mua quà tặng cô chủ nhiệm.
Thế nhưng khi được cô Sen chủ nhiệm thì những nỗi lo của tôi không còn xuất hiện nữa. Cứ đến giờ sinh hoạt cuối tuần, như những giáo viên chủ nhiệm trước đó, cô cũng lật sổ và nhắc ai đóng tiền thì lên gặp cô. Cô không hỏi hay gọi tên những người chưa đóng tiền và chỉ nói những em nào chưa đóng thì cố gắng nói phụ huynh đóng cho xong. Cứ thế đến tuần cuối học kỳ 1, cô gọi đến tên tôi và một hai bạn khác rồi nói cuối giờ ở lại gặp cô, tôi thở phào nhẹ nhõm vì không phải đứng lên trước lớp nhưng cũng không khỏi lo sợ vì lại… là tiền. Cuối giờ, cô hỏi từng bạn rằng nhà ở đâu, bố mẹ làm việc gì, học có gì khó khăn không, có đủ sách vở không, vì sao điểm thi này thấp, điểm này cao… Khi đó, vì chúng tôi đều ở xa trường và nhút nhát nên những buổi như thế không dám nói nhiều với cô giáo như thời học sinh bây giờ.
Cô phụ trách môn văn, một tuần, ngoài giờ sinh hoạt, cô chỉ dạy lớp hai tiết. Cô dạy không quá hay nhưng không bao giờ để học sinh phải học thuộc bài răm rắp. Trong giờ học, cô hay hỏi bất chợt, cho học sinh trình bày và chấm điểm là chính. Cứ thế, suốt học kỳ 1, tôi không còn bị ám ảnh bởi tên của mình nữa, tôi cũng không phải nghe những câu nặng lời của mẹ: “Nói cô giáo để từ từ không được à?”, “Tiền chứ đâu phải lá mít đâu mà đóng hoài!…”.
Tết năm đó, tôi bất ngờ khi cô giáo đi cùng con gái sáu tuổi đến nhà tôi chơi trong khi tôi chưa từng đi thăm chúc thầy cô bất cứ dịp nào. Lúc đó, tôi không đủ hiểu để nghĩ rằng cô giáo đến nhà mình là để chúc tết, mà tôi chỉ nghĩ cô đến nhà mình để nói với cha mẹ về việc học của mình tệ thế nào hoặc là để hỏi tiền học. Tôi sợ đến nỗi chỉ dám ra chào rồi rót nước mời cô và cha tôi mà tay tôi run lẩy bẩy. Xong, tôi lủi vào trong buồng, ngồi im để nghe người lớn nói chuyện. Cha tôi liền gọi tôi ra nói tôi dọn ít đồ ăn mời cô mà tôi vẫn run. Cô ghé chừng 15 phút rồi nói đến thăm nhà học trò khác ở xa. Cô còn gọi tôi ra để lì xì và chúc tết gia đình tôi.
Sau hôm đó tôi thấy mình tệ quá, bởi chưa bao giờ tôi thấy thầy, cô giáo đến tận nhà để chúc tết gia đình học trò trong khi ngày Nhà giáo tôi còn không chúc được gì cho cô. Và tôi cũng trách cho suy nghĩ của mình rằng thầy cô nào cũng chỉ biết bêu tên học trò khi trò làm sai hay chỉ vì những khoản tiền trường trong khi có một người cô chưa từng làm như thế.
Trong năm học đó, cha mẹ tôi cố gắng cũng chỉ hoàn thành được 1/2 tiền học của tôi trong tổng khoản gần 300.000 đồng. Thế nhưng sau buổi họp phụ huynh cuối năm khi mẹ tôi gặp riêng cô giáo để đóng tiền như những năm học trước thì cô đã không nhận. Cô nói cô đã đóng nốt cho ba em trong lớp còn thiếu tiền học rồi, nhà trường cũng đã chốt sổ nên phụ huynh không phải đóng nữa. Khi mẹ tôi gửi trả tiền cho cô thì cô cũng không nhận và nói để dành mua sách cho chúng tôi.
Lần đầu tiên tôi thấy mẹ kể về cô giáo tôi với giọng đầy cảm mến như thế. Nghe mẹ tôi kể mà tôi thấy nợ cô nhiều hơn. Cha mẹ tôi từ đó luôn muốn tôi theo nghề giáo để làm được như thế nhưng thực sự tôi thấy mình không xứng đáng để chọn nghề giáo.
Lên lớp 9, trường xếp tên theo bảng chữ cái nên tôi phải chuyển lớp mới. Cô cũng không còn trong trường nữa vì phải về quê dưỡng bệnh. Vậy mà…
Tôi vẫn không dám tin chỉ sau một năm tôi không được học cô cũng là một năm cô phải rời bục giảng để về quê dưỡng bệnh thì căn bệnh hở van tim lại cướp đi cô của tôi nhanh đến thế. Đã 13 năm em không gặp cô và chặng đường em đi mãi mãi không còn cô nữa.
Ngày Nhà giáo năm nay lại đến, thấy trường lớp ngập tràn hoa và các hoạt động do các học sinh tri ân thầy cô mà tôi không khỏi chạnh lòng. Bởi khi tôi đã trưởng thành, bởi khi tôi bớt nhút nhát, bởi cuộc sống của tôi cũng khá hơn xưa mà tôi cũng chưa được một lần tự tay mua một món quà để cảm ơn cô.
Cô ơi! Em sẽ luôn ghi nhớ hình ảnh cô dù biết rằng mãi mãi em vẫn nợ cô một lời tri ân cô ạ…
Sưu tầm