Sau một thời gian xây dựng, ngày 1/12/2015, Trung tâm nuôi dưỡng phục hồi chức năng và dạy nghề cho nạn nhân chất độc da cam tỉnh Quảng Trị (gọi tắt là Trung tâm) đã được đưa vào sử dụng. Trung tâm chính thức hoạt động đã mở ra cơ hội cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin được phục hồi chức năng, sức khỏe tốt hơn cũng như được dạy nghề để hòa nhập với cộng đồng.
Các nạn nhân chất độc da cam/dioxin được nuôi dưỡng trong môi trường tốt hơn
Bao nhiêu năm nay cả gia đình ông Nguyễn Hữu Chánh ở phường 3, thị xã Quảng Trị hết sức vất vả khi có đứa con trai là Nguyễn Xuân Phương không may bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin, nay đã 30 tuổi rồi mà mọi việc từ ăn uống, sinh hoạt, đi lại rất khó khăn. Phương bị thiểu năng trí tuệ. Nghe tin Trung tâm đi vào hoạt động, ngay từ sáng sớm ông Chánh đã đèo con trai vượt hơn 20 cây số ra dự lễ đón nhận nạn nhân da cam/ dioxin để gửi đứa con kém may mắn của mình vào ở nội trú.
“Không có gì vất vả và bất hạnh hơn khi có con bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Bởi ngoài tương lai mù mịt của các cháu thì bản thân gia đình cũng hết sức khổ tâm. Vợ chồng tôi đều đã già, sức khỏe giảm sút nên việc chăm sóc cho cháu gặp nhiều khó khăn. Bởi thế khi nghe Trung tâm đón nhận các cháu, tôi liền đưa con trai ra gửi ở nội trú để cháu được chăm sóc tốt hơn, hơn hết là cháu sẽ được dạy nghề phù hợp để hòa nhập cộng đồng”, ông Chánh vui mừng cho biết.
Từ sáng sớm, vợ chồng anh Hồ Ngọc Hải Thuận- chị Nguyễn Thị Thảo Sương ở thành phố Đông Hà đã đèo 2 đứa con gái (5 tuổi và 6 tuổi) đến Trung tâm để gửi bán trú. Anh Thuận cho biết, 2 con gái của vợ chồng anh sinh ra bình thường nhưng đến tuổi biết đi thì đôi chân đều bị queo quắt, đi lại rất khó khăn.
“Tôi làm nghề sửa giày ngoài chợ Đông Hà, vợ tôi từ ngày 2 con bị bệnh thì chỉ biết ở nhà chăm sóc các con vì chẳng biết gửi các cháu cho ai. Cuộc sống của vợ chồng tôi vì thế cũng hết sức chật vật. Từ nay chúng tôi sẽ gửi các con vào đây ở bán trú để vợ tôi có thời gian đi làm thêm nhằm trang trải cuộc sống. Ở đây các con vừa được ăn ở miễn phí vừa được phục hồi chức năng nên chúng tôi rất yên tâm”, anh Thuận bộc bạch.
Anh Trần Ngọc Phương ở phường 2, thành phố Đông Hà lặng lẽ nhìn đứa con trai Trần Tiểu Ngọc (13 tuổi) bị thiểu năng, chậm phát triển của mình vui đùa cùng các bạn mà lòng phần nào vơi bớt nỗi muộn phiền. Anh Phương cho biết, con trai anh bị chậm phát triển bởi di chứng từ lần bị viêm não Nhật Bản lúc 3 tuổi.
“Tôi làm nghề chài lưới trên sông Hiếu, hồi đó cũng không biết mà tiêm phòng cho con nên giờ con bị vậy. Gia đình đau xót và thương cháu lắm. Ở nhà tính khí cháu cũng thất thường, hay đi lang thang nên tôi không thể yên tâm đi làm được. May mắn là từ nay có Trung tâm nên tôi sẽ gửi cháu để có thời gian yên tâm làm việc. Ở đây cơ sở vật chất khang trang, có đầy đủ cán bộ, nhân viên chăm sóc nên tôi tin rằng cháu sẽ tiến bộ và sau này cháu cũng sẽ được dạy một nghề phù hợp với bản thân”, anh Phương chia sẻ.
Cùng chung niềm hân hoan như ông Chánh, vợ chồng anh Thuận, anh Phương, thân nhân của 30 nạn nhân chất độc da cam/dioxin ngày hôm ấy đều vui mừng không nói nên lời. Bởi đây cũng là lần đầu tiên các nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong tỉnh có một nơi nuôi dưỡng, phục hồi chức năng đúng nghĩa.
Trung tâm được xây dựng từ sự hỗ trợ của Bộ Hỗ trợ phát triển Cộng hòa liên bang Đức với kinh phí hơn 449 ngàn Euro. Trung tâm với đầy đủ các phòng chức năng, được trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị, giường chiếu, dụng cụ sinh hoạt, đảm bảo nuôi dưỡng cho 90 nạn nhân. Bước đầu Trung tâm nhận nuôi dưỡng hơn 30 nạn nhân, chủ yếu theo hình thức bán trú. Các cháu vào đây đều được bố trí ở trong những căn phòng rộng rãi, thoáng mát, tiện nghi sinh hoạt đầy đủ. Mỗi tháng Trung tâm hỗ trợ miễn phí 270.000 đồng tiền ăn trưa và được cán bộ, nhân viên ở đây tập luyện, tổ chức sinh hoạt nhóm, sinh hoạt tập thể và khi có tiến triển tốt sẽ được học nghề.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Dăng, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Quảng Trị cho biết: Toàn tỉnh hiện có hơn 8.200 hộ có người nhiễm chất độc hóa học với 15.485 nạn nhân, cuộc sống phần lớn gặp nhiều khó khăn. Trong đó có khoảng 2.300 nạn nhân có nhu cầu phục hồi chức năng và học nghề. Việc xây dựng Trung tâm và tổ chức đón các cháu vào nuôi dưỡng là một việc làm có ý nghĩa, mang đậm tính nhân văn sâu sắc. Tuy nhiên, do khả năng của Trung tâm còn hạn chế, bước đầu đi vào hoạt động nên rất cần sự hỗ trợ, chung tay của cả cộng đồng để có kinh phí lo cho các cháu ăn học, phục hồi chức năng, học nghề để sớm hòa nhập cộng đồng.
Bài, ảnh: ĐỨC VIỆT (Báo Quảng Trị)