Mảnh đất mang nặng ân tình

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân trên khắp mọi miền Tổ quốc đã được Đảng Đoàn Bộ Công an tăng cường, chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong đó, đã có hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Công an của 22 tỉnh, thành phố phía Bắc cùng sát cánh với quân và dân Quảng Trị chiến đấu chống kẻ thù. 40 năm sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, trong thẳm sâu trái tim họ vẫn đau đáu với nghĩa tình Quảng Trị.

Mảnh đất mang nặng ân tình

Cán bộ, chiến sĩ An ninh Quảng Hà cùng các mẹ, các chị trong buổi gặp mặt truyền thống

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Xuân Giang (Việt Hà) tham gia cách mạng khi mười bốn, mười lăm tuổi. Từ năm 1960 – 1963, đồng chí công tác tại các đơn vị như Công an vũ trang Vĩnh Linh, Đồn liên hợp Cửa Tùng, sau đó chiến đấu tại nước bạn Lào, rồi trở về tham gia khóa huấn luyện đặc công ở Sơn Tây. Từ 1963 – 1965, đồng chí chiến đấu tại các địa bàn Cam Lộ, Gio Linh. Chiến tranh ác liệt, theo yêu cầu công tác, đồng chí được giao chức vụ Phó Trưởng Ban An ninh thị xã Quảng Hà với nhiệm vụ chỉ huy lực lượng biệt động nắm tình hình nội thị và vùng ven để thu thập thông tin, tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền kế hoạch đánh địch, đặc biệt là tổ chức những trận đánh “hiểm” vào lòng địch.

Đồng chí Nguyễn Xuân Giang đã chỉ huy và cùng các trinh sát tổ chức thực hiện nhiều trận đánh bất ngờ làm tiêu hao sinh lực địch và rối loạn tình hình trong hàng ngũ của địch. Với phương châm chủ động trong từng kế hoạch, mưu trí, sáng tạo trong từng trận đánh, các chiến sĩ của Ban An ninh thị xã Quảng Hà đã phá tan các âm mưu bình định của địch, tạo niềm tin cho cơ sở cách mạng đang hoạt động trong nội thị. Đặc biệt trong chiến dịch giải phóng Quảng Trị năm 1972, Ban An ninh Quảng Hà đã tổ chức nhiều trận đánh, tiêu diệt nhiều tên địch; phối hợp với các lực lượng thu gom hơn 7 tấn tài liệu quan trọng của địch, tổ chức hướng dẫn đưa 3,5 vạn dân ra vùng giải phóng.

Tuổi trẻ của đồng chí Nguyễn Xuân Giang gắn liền với Quảng Trị. Trong thời gian bám trụ địa bàn, có lúc đơn vị bị địch tập trung 8 tiểu đoàn vây trong, chốt ngoài suốt 12 ngày đêm. Các chiến sĩ trinh sát có lúc phải nhịn đói, ngâm mình dưới nước, trong hầm bí mật suốt bốn, năm ngày đêm. Nhưng nhờ sự bảo vệ, đùm bọc, chở che của những người mẹ, người chị mà nhiều chiến sĩ công an đã thoát khỏi ranh giới giữa sự sống và cái chết. Với đồng chí Nguyễn Xuân Giang, nghĩa tình với quê hương Quảng Trị vẫn mãi luôn đong đầy, để mỗi khi nhắc đến lòng ông lại trào dâng niềm xúc động, nhất là khi ông nhớ về mẹ Đào Thị Lách (Mẹ VNAH) ở Hải Lâm, Hải Lăng đã bất chấp hiểm nguy tìm cách che giấu và cứu sống ông trước sự truy đuổi gắt gao của kẻ thù .

Còn với Đại tá Nguyễn Văn Thủy, nguyên cán bộ trinh sát của Ty An ninh Quảng Trị thì “Quảng Trị vẫn mãi trong tâm trí”. Năm 1965, cùng với cán bộ, chiến sĩ Công an của nhiều tỉnh, thành miền Bắc, người lính trẻ Nguyễn Văn Thủy khi ấy là cán bộ Phòng Quản lý trật tự hành chính, Công an tỉnh Nam Định đã làm đơn tình nguyện tham gia đợt công tác đặc biệt chi viện cho chiến trường miền Nam. Hành trang lên đường là ba lô đong đầy lòng yêu nước, bầu nhiệt huyết và sức trẻ sục sôi, không quản ngại gian khó, hi sinh, nguyện một lòng cống hiến tuổi xuân cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Đồng chí Nguyễn Văn Thủy về các địa bàn Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng để nắm tình hình, tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia phong trào cách mạng. Nhiệm vụ của cán bộ trinh sát trong thời điểm ấy cũng gặp vô vàn khó khăn, nguy hiểm đòi hỏi phải có con mắt tinh tường để phân biệt kẻ ngay, người gian, làm thế nào để loại trừ bọn biệt kích, việt gian để bảo vệ lực lượng, bảo vệ bản thân và bảo vệ nhân dân một cách an toàn. Nhiều lần vào vùng địch tạm chiếm, chứng kiến sự đau thương, mất mát của người dân vô tội, Nguyễn Văn Thủy càng nung nấu ý chí: “Không thể để người dân Quảng Trị sống trong sự đàn áp, quyết tâm cùng đồng đội bám trụ địa bàn”. Cùng với công tác xây dựng lực lượng Công an thôn, xã, xây dựng phong trào, đồng chí còn nhiều lần tham gia công tác binh vận, đánh “hiểm” vào các trụ sở của địch.

Quãng thời gian gần 5 năm làm công tác trinh sát là cơ hội để Nguyễn Văn Thủy được đặt chân đến nhiều miền quê trên mảnh đất Quảng Trị. Tình người đậm đà, chân chất và sự quý mến, đùm bọc, yêu thương của người dân nơi đây luôn để lại trong ông nhiều ấn tượng đậm sâu. Hơn 10 năm gắn bó với Quảng Trị, Nguyễn Văn Thủy và đồng đội luôn coi đây là quê hương thứ hai của mình, để mỗi khi có dịp trở về thăm lại chiến trường xưa, ký ức của những năm tháng chiến tranh gian khổ, hi sinh nhưng cũng mang nặng ân tình lại trở về thổn thức, vẹn nguyên…

Chiến tranh đã lùi xa 40 năm nhưng với Đại tá Nguyễn Trường Xuân, những ký ức về Quảng Trị vẫn còn như mới hôm qua. Đó là sự gian khổ, khốc liệt của cuộc chiến, là tinh thần chiến đấu ngoan cường và nghị lực phi thường của những cán bộ, chiến sĩ, là sự chia ngọt sẻ bùi từng củ sắn, củ khoai, những lời động viên nặng nghĩa ân tình của người dân Quảng Trị.

Tháng 4/1972, Nguyễn Trường Xuân cùng 39 học viên của Trường Sĩ quan Cảnh sát Trung ương “xếp bút nghiên” bổ sung chi viện cho chiến trường Quảng Trị. Lúc này tỉnh Quảng Trị mới được giải phóng một nửa. Phía nam, từ thị xã Quảng Trị trở vào đang bị địch tái chiếm. Được tăng cường vào lực lượng An ninh Quảng Trị, nhiệm vụ lúc bấy giờ của đồng chí là tuyên truyền chủ trương của Chính phủ cách mạng lâm thời cho nhân dân ở vùng giải phóng, bảo vệ an ninh trật tự vùng giải phóng, quản lý hộ tịch hộ khẩu, thu hồi tài liệu vũ khí của địch. Thời điểm này, tình hình chiến tranh đang bước sang giai đoạn cuối, cả nước đang tập trung tổng lực đánh thắng địch tại chiến trường để có thể đạt các yêu cầu đề ra trên bàn ngoại giao. Tình hình cuộc chiến càng diễn biến phức tạp và ác liệt do địch muốn thay đổi cục diện, lật ngược thế cờ đang đi vào hồi kết. Công tác và chiến đấu trong tình hình nhiều khó khăn, phức tạp như vậy nhưng Nguyễn Trường Xuân cùng đồng đội đã vượt qua bao gian nan thử thách, kiên cường bám trụ địa bàn, cùng quân và dân Quảng Trị chiến đấu cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước.

Đại tá Nguyễn Trường Xuân tâm sự: “Dù điều kiện chiến tranh gian khổ, khốc liệt và nỗi nhớ da diết khi xa quê hương, xa gia đình, nhưng bù lại, tôi luôn nhận được sự đùm bọc, chở che của người dân Quảng Trị. Chính điều đó đã giúp tôi vượt qua mọi khó khăn, tiếp thêm sức mạnh để tôi cùng đồng đội hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”.

Trong chiến tranh, các anh đã cống hiến và hy sinh vì Quảng Trị. Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, những chiến sĩ Công an chi viện cho chiến trường Quảng Trị năm xưa đi nhận những nhiệm vụ ở nhiều tỉnh, thành khác nhau. Và sau 40 năm, Quảng Trị lại thân thương đón những người con lâu ngày trở lại. Những ký ức chiến tranh dẫn họ quay về những năm tháng tuổi trẻ đầy oanh liệt, hào hùng.\

Nguồn: Báo Quảng Trị