Có mẹ làm cô giáo, tôi hiểu được món quà ý nghĩa nhất với thầy cô trong ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Mẹ tôi là cô giáo cấp I trường làng ở mảnh đất nghèo xã Vĩnh Trung, Vĩnh Linh (Quảng Trị). Ngày xưa, khi quê tôi còn nghèo khó, cô giáo trường làng cũng giống như những người nông dân khác. Và mẹ cũng thế, ngoài lên lớp mẹ vẫn phải đội mưa nắng ra đồng, cuốc đất trồng khoai sắn…
Mẹ tôi là cô giáo cấp I trường làng ở mảnh đất nghèo xã Vĩnh Trung, Vĩnh Linh (Quảng Trị). Ngày xưa, khi quê tôi còn nghèo khó, cô giáo trường làng cũng giống như những người nông dân khác. Và mẹ cũng thế, ngoài lên lớp mẹ vẫn phải đội mưa nắng ra đồng, cuốc đất trồng khoai sắn…
Tôi còn nhớ như in, một ngày 20/11 cách đây 25 năm. Khi ấy, nhà ai ở quê tôi cũng nghèo, nhà tôi còn là một ngôi nhà tranh vách đất xiêu vẹo. Mẹ được nghỉ dạy nên cùng ba đi làm ở ngoài đồng sớm. Đến giữa trưa thầy hiệu trưởng cùng hội phụ huynh tới chúc mừng mẹ gửi tặng 2 cuốn sổ, hai bánh xà phòng và chiếc thiệp ghi: Chúc cô luôn yêu nghề giáo… Trưa ấy mẹ tôi về nhận được món quà 20/11 mà rưng rưng nước mắt.
Cũng một trưa ngày nhà giáo Việt Nam khác, thấy thằng Hiệp cứ đứng lấp ló ngoài hàng cây, tôi ra hỏi chuyện, nó gãi đầu gãi tai bảo: “Hôm ni là ngày thầy giáo mà mi. Tau đến thăm cô, nhưng sợ quá không dám vô”, nó nhìn tôi rồi nhe hàng răng sún cười. Tôi cũng cười theo trêu nó, mọi ngày vẫn vào nhà chơi, đến hôm nay lại sợ trốn gốc cây.
Bần thần một lúc, thằng Hiệp nói: “Thôi chừ ri, mi cầm gói kẹo quy ni vô đưa cho cô nghe. Tau tặng mẹ mi nhân ngày thầy cô. Chớ tau vô sợ lắm”. Nói chưa xong, nó lôi gói kẹo quy giấu trong hàng cây dúi vào tay tôi rồi chạy về.
Tôi đi vào đưa cho mẹ gói kẹo thằng Hiệp gửi tặng, mẹ vội vàng chạy bộ ra cửa ngõ rồi gọi: Hiệp, Hiệp… nhưng nó đã biến mất từ lúc nào. Lúc vào nhà mẹ bảo, học trò mẹ đến có cho quà bánh gì đừng có nhận, nói là mẹ mời vào nhà chơi… Vậy là mặc dù biết tôi rất thèm kẹo quy, nhưng mẹ vẫn để dành, mai đưa đến lớp bóc cho học trò cùng ăn.
Một năm khác, lúc ấy tôi đã học cấp 2. Cả ngày tôi đi cùng nhóm bạn để thăm các thầy cô giáo đến tối mịt mới về nhà. Khi tôi về, thấy nhiều phụ huynh đang còn nhồi bánh bột lọc để làm bánh. Ba tôi bảo, có mấy phụ huynh mang đến mấy cân bột lọc với mấy lạng thịt mỡ, nhà có sẵn đậu phụng nên làm bánh bột lọc ăn cho vui. Lúc ấy mẹ tôi vui lắm, khuôn mặt tươi vui, rạng rỡ, tay vừa làm bánh vừa kể những mẫu chuyện quậy phá của mấy học trò để cha mẹ răn dạy.
Những món quà của học sinh tặng mẹ nhân ngày nhà giáo thời ấy đôi khi chỉ là những cánh thiệp, những cành hoa nhựa, hay những cuốn sổ tay có ghi một vài lời chúc bằng nét chữ nghệch ngoạc… nhưng đó là niềm vui khôn tả của mẹ.
Những năm quê tôi quá khó khăn, nhiều lúc ba muốn cả nhà di chuyển đến Tây Nguyên đến những nơi khác để có cuộc sống thuận lợi hơn. Thế nhưng mối lần cha tôi bàn chuyện đi đâu đó mẹ lại ngăn cản. Mẹ tôi nhiều lúc khóc trước mặt ba mà nói rằng, không muốn bỏ nghề dạy học, không muốn xa trường, xa học trò. Thế rồi ba cũng phải chịu nghe mẹ…
Qua hơn 30 năm trong nghề, bây giờ những thế hệ học sinh của mẹ có nhiều người trưởng thành đi đây đó. Nhưng mỗi lần đến ngày nhà giáo, luôn có những món quà nhỏ gửi đến mẹ. Những lần như thế, bà chỉ nói: “Tụi bay cứ thoát li ra khỏi đường cày, thoát khỏi chân lấm, tay bùn là quà lớn nhất rồi…”.
baogiaothong.vn