Nhớ cha mạ, nhớ cái nắng và gió Lào quê tôi

Hôm nay, một ngày nắng. Tôi ngồi làm việc trong phòng có điều hoà mát rượi nhưng con tim tôi vẫn không lạnh dần theo những luồng không khí mát lạnh ấy. Chỉ có ngôn từ dường như khô đi, chỉ còn tiếng lách cách của bàn phím và tiếng rì rì của máy lạnh trong căn phòng đông đúc mà im ắng đến rùng mình. Lòng tôi nhớ mạ, nhớ cha, nhớ nội và nhớ cái nắng, gió quê tôi.

Mỗi khi đi học xa, bạn bè thường hỏi đặc sản quê tôi là gì, tôi bảo đó là nắng, gió Lào và cát trắng. Chúng nó mím môi, nguýt dài. Nhưng mỗi khi đã đi qua mảnh đất Quảng Trị, ngó ra cửa sổ xe ô tô thì ai cũng xuýt xoa với cái nắng và gió nới đây. Nhưng có hề chi, người dân quê tôi vẫn sống. Hoa xương rồng vẫn nở tươi trên cát đó thôi.

Vào đầu tháng 5, người dân quê tôi lại gánh trên mình cái oi nồng, gay gắt của nắng, gió Lào thổi mãi và những người nông dân gầy gò, khô quắp như mạ tôi phải đội nắng giữa trưa hè để ra đồng vì mưu cầu cuộc sống, để lo toan cho anh em tôi.

me-toi-1

Tôi còn nhớ Nhà văn Sơn Tùng trong tác phẩm Búp sen xanh đã nhắc đến cái gay gắt của gió Lào với những ngôn từ rất “đắt”, rất miền trung đã nói lên sự khắc nghiệt của thời tiết xứ sở miền trung quê tôi. “Gió Lào thổi từng cơn dài. Bầu trời, mặt đất bốc mùi nóng khét như sắp sửa bùng cháy. Những cánh đồng khô nẻ hoang hoác, thưa thớt bóng người. Không một con cò, con vạc đi kiếm ăn trên đồng. Cây cối đói nước đứng rũ rượi. Giữa trời nắng lửa, những con diều hâu sải cánh liệng tìm mồi dưới đất. Quạ khoang, quạ đen bay thành bầy về phía ngàn xanh….” Không những thế, gió Lào còn thổi tung mù mịt đất, cát và nó cũng là tác nhân góp phần làm cháy rừng nữa. Mặc dầu khắc nghiệt như thế nhưng người dân quê tôi vẫn có cách để chống trả và chung sống với nó. Chúng tôi thường trêu đùa. “Bão giữa mùa khô” là thế.

Tôi đốc ngược thời gian trở về với tuổi thơ trải dài trên con đê đầu làng cùng lũ trẻ chăn trâu nằm ngửa cổ trên những vạt cỏ khô úa và mắt ngắm theo những chiếc lá vàng rụng rơi, xoáy tít trong cái gió khắc nghiệt của mùa hè. Những tháng năm đó tôi đã say sưa chạy nhảy trên những cánh đồng khô nứt nẻ vào những buổi chiều và ngụp lặn trong con kênh mát rượi mà quên đi mạ đã phải gồng gánh cả trưa hè oi bức trên vai, phải oằn mình đi cho vững trước những đợt gió Lào rát mặt để lo cho cả gia đình. Và cha tôi, ông giáo làng vẫn phải miệt mài bên trang giáo án hằng đêm, ngày ngày lại lên lớp với những buổi giảng văn đến khô cổ và ho sặc sụa vì bụi phấn.… nhưng đồng lương lúc ấy chẳng là bao. Vai mạ lại nặng hơn.

Năm nay, lại một năm quê tôi đón sớm cái nắng khô da, nẻ thịt. Mọi người đều tìm cho mình những chỗ mát để tránh nắng, những người ra đường đều trùm kín mặt mày, nhiều người còm ôm con nhỏ vào siêu thị để tránh nắng thì mạ vẫn chiếc áo củ sờn vai của tôi mà ra đồng từ sáng sớm cho đến tận trưa. Mùa hè cũng là mùa mà những người như mạ phải ra đồng thường xuyên nhất. Đây là mùa thu hoạch lúa, ngô, khoai, sắn. Khi thu hoạch xong thì phải tiếp tục cày, bừa để kịp khi cơn mưa xuống mà gieo, trồng lại và chăm bón để có mùa thu hoạch sau. Cứ như vậy, nó như quy luật cứ diễn ra thường xuyên và mồ hôi mạ vẫn chảy giữa trưa hè đổ lửa để đất mặn hơn, chúng tôi lớn hơn, khôn hơn mà mạ thì gầy gò, khô khắt hơn, để khi lớn lên rồi tôi mới thấm thía câu hát:

“Có nơi mô như ở quê mình
Nắng hạn cháy lưng, mưa dầm lụt lội
Trời thử thách người, trời như bắt tội
Cơn bão tan rồi, cây bí lại vàng bông.
Hạt lúa củ khoai giữa mùa Nam nắng,
Bưng chén cơm ăn sao đắng cả lòng”.

Mệt mỏi là vậy, cực khổ là vậy nhưng mạ không bao giờ than vãn, kêu cực kêu khổ.

Khi cuộc sống của gia đình tôi đã sung túc hơn, anh em tôi trưởng thành, đã có công ăn việc làm ổn định. Kinh tế không dư dã nhiều nhưng anh em chúng tôi cũng đủ sức lo cho mạ, cho cha bớt phải dầm nắng dải mưa để hưởng tuổi già an nhà hơn, vui vẻ hơn bên con cháu nhưng mạ vẫn khăng khăng không chịu bỏ ruộng đất nằm không. Mạ thấy nhớ ruộng đồng, nhớ những luống khoai lang bò trên đất cát, mạ nhớ những bông lúa trĩu hạt giữa cánh đồng, mạ nhớ những cây bí vàng chi chít quả và nhớ lắm cái nắng oi của trưa hè nên mạ không bỏ được.

Tôi đi làm xa, mỗi năm chỉ đem con về thăm mạ, cha và nội một lần vào mùa hè rồi cuối hè lại đón con về. Mạ cũng như nội ngày xưa, chăm con tôi đến lạ để rồi khi chia tay mùa hạ, mạ không cầm được nước mắt. Mạ nhớ cháu như nội đã nhớ tôi và khi ấy chúng tôi chỉ biết ngã vào lòng mạ, lòng nội mà khóc. Còn nội và mạ trước khi chia tay thường gói ghém bao thứ từ đất đai quê hương gửi lên cho cha con tôi. Mạ và nội chỉ giữa lại chiếc áo đẫm mồ hôi của con và cháu, mạ lấy cái chậu úp những vết chân trần của cha con tôi in hằn trên cát vì sợ gió sẽ cuốn đi và vết chân chúng tôi không còn bên mạ, bên nội nữa.

Mạ giờ đã già và lưng đã còng hơn, nội và ba không còn nữa nhưng mỗi mùa thu hoạch ngô khoai, mạ vẫn gói ghém cho tôi cùng con gái chút quà và đặt lên bàn thờ nộ, ba vài thứ ngon nhất như gửi gắm chút tình giữa lòng đất nắng gió này.

Hôm nay, một ngày nắng. Tôi ngồi làm việc trong phòng có điều hoà mát rượi nhưng con tim tôi vẫn không lạnh dần theo những luồng không khí mát lạnh ấy. Chỉ có ngôn từ dường như khô đi, chỉ còn tiếng lách cách của bàn phím và tiếng rì rì của máy lạnh trong căn phòng đông đúc mà im ắng đến rùng mình. Lòng tôi nhớ mạ, nhớ ba, nhớ nội và nhớ cái nắng, gió quê tôi.

Mạ ơi, ba ơi, nội ơi. Con sẽ về.

Trương Tuấn Thành