Những giáo viên luôn tận tâm với trẻ tự kỷ, chậm nói

“Ai cũng có một công việc để làm, riêng tôi có một công việc để yêu thương!”

Cô giáo Nguyễn Thị Tình (28 tuổi) người giáo viên trẻ đã sáng lập ra Trung Tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập, chuyên dạy trẻ chậm nói, trẻ tự kỷ trên địa bàn thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.

cô giáo tận tâm với trẻ tự kỷ

Cầm trên tay tấm bằng Đại học sư phạm, ngày ấy xin việc ở quê quả là một việc khó khăn, người giáo viên trẻ quyết tâm vào Nam tìm việc, vừa kiếm tiền phụ ba mẹ nuôi em nhỏ đang ăn học vừa muốn bồi đắp kiến thức và kinh nghiệm cho bản thân. Bôn ba giữa chốn thị thành náo nhiệt, cơ duyên với nghề, cô được Trung tâm phục hồi chức năng và hỗ trợ trẻ khuyết tật tại thành phố Hồ Chí Minh mời làm việc tại Trung tâm và với vị trí công tác là giáo viên dạy trẻ tự kỷ.

Những ngày đầu bỡ ngỡ, với kiến thức lý thuyết trên giảng đường, chưa đủ cho công việc việc dạy trẻ tự kỷ, một công việc thật sự khó khăn vất vả. Những ngày làm việc đầu tiên, mệt đến nỗi tan giờ về, tay run run không cắm được chìa khóa vào cổ xe, có những ngày quá mệt, cô muốn dừng lại…nhưng nhìn những ánh mắt ngây ngô của trò nhỏ, lại quyết tâm.

cô giáo tận tâm với trẻ tự kỷ

Càng làm càng thấy yêu thương, cô đã tìm thấy được niềm vui, hạnh phúc và gắn bó với nghề, cô may mắn được trung tâm cho tham gia tập huấn, đào tạo với các chuyên gia trong và ngoài nước để nâng cao kiến thức cũng như kinh nghiệm thực hành.

Năm 2013, trở về quê hương, cô vẫn muốn theo đuổi nghề mình đã chọn, sau khi tìm hiểu và đươc biết, nhiều phụ huynh ở Quê có con mắc hội chứng tự kỷ và chậm nói phải khăn gói đưa con ra ngoại tỉnh như Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng để học, chi phí đi lại, sinh hoạt, ăn ở trọ, học phí rất cao, trong khi thu nhập giảm xuống vì bỏ việc theo con… nên hầu hết không theo được lâu dài, chỉ đi vài tháng rồi trở về và tình trạng của trẻ lại trở về như ban đầu.

Suy nghĩ thôi thúc hành động, bằng niềm tin, tình yêu, sự kiên trì chịu khó, sau một thời gian chuẩn bị các điều kiện, Trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập trẻ em đã được đưa vào hoạt động.

cô giáo tận tâm với trẻ tự kỷ

Theo chân cô giáo đến một ngôi trường nhỏ tại đường Ngô Quyền Thành phố Đông Hà, một địa điểm yên tĩnh và quen thuộc của những cô bé cậu bé không may mắc phải hội chứng chứng Tự Kỷ.

Nhìn bề ngoài thì trường cũng giống như bao trường mầm non khác, vẫn những ánh mắt vẫn trong trẻo ngây thơ của trẻ nhỏ, nhưng khi tiếp xúc vài ba câu là có thể nhận ra các con bị hạn chế rất nhiều về giao tiếp và kỹ năng sống, có những bạn đã 10 tuổi nhưng vẫn chưa biết tự cầm một cái gì để ăn. Có bạn 6 tuổi chưa một lần gọi “mẹ”!

Với nghề nuôi dạy trẻ tự kỷ thì ngoài bằng cấp, kiến thức, kinh nghiệm đòi hỏi cần phải có tình yêu thương, lòng kiên nhẫn. Cô chia sẽ: “ Trẻ tự kỷ và chậm nói hiện nay tăng nhanh chóng, theo thống kê Việt Nam có 200,000 trẻ, tỷ lệ 1/166 trẻ, các nước như Mỹ thì 1/68, Hàn Quốc 1/38. Trẻ tự kỷ thường gặp khó khăn ở ba mặt: hành vi, ngôn ngữ và tương tác xã hội. Trẻ được phát hiện và can thiệp sớm trước 3 tuổi thì cơ hội hòa nhập mới có khả năng đạt từ 70% trở lên, nhưng nhiều phụ huynh vẫn chưa nhận thức được điều này, và thường đưa con đi học khi quá muộn nên cơ hội hòa nhập thấp. Giáo viên ở Trung Tâm dạy cho trẻ từ cách nhai, cách cầm nắm đến cách điều phối hơi thở để phát âm, có những bạn chỉ học 5-8 tháng là đi học hòa nhập được, nhưng cũng có những bạn học gần nửa năm nhưng nhưng gọi chưa biết ạ, chưa nhìn vào mắt cô một lần…”

cô giáo tận tâm với trẻ tự kỷ

Phụ huynh ở đây người thì ở Đông Hà, Gio Linh, Vĩnh Linh, Triệu Phong, Hải Lăng, ngừời ở vùng núi như Khe Sanh, Cam Lộ. Mùa đông hay mùa hè, họ tất tả chở con đến trường chở theo một hy vọng duy nhất, rằng khi mình già yếu và không còn nữa con mình vẫn sống tự lập được.

Và có lẽ niềm vui mà các cô nhận được từ công việc là ánh mắt của phụ huynh sáng hơn mỗi ngày đón con. Nhìn họ hồ hởi kể với nhau về sự thay đổi của con, nghe tiếng các con bi bô trò chuyện ba mẹ, chứng kiến gương mặt phụ huynh từ u uất trầm lặng trước đây thay bằng sự rạng rỡ bây giờ…các cô giáo ở đây hiểu rằng: mình đang làm một công việc thực sự có nghĩa cho cuộc đời!

Và cứ thế mỗi khi gặp khó khăn họ lại càng quyết tâm!

Các phụ huynh có nhu cầu vui lòng liên hệ:
Trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập
31 Ngô Quyền, TP. Đông Hà, Quảng Trị.
Hotline: 0975 730 734

Tác giả: Nguyễn Thị Thu Hà