Nữ thương binh bán nước chè dạo nuôi 6 con đại học – Đã ngót nghét 30 năm ròng rã, bà Nguyễn Thị Niêm (66 tuổi) vẫn ngày ngày xách ấm nước chè lặng lẽ len lỏi quanh chợ thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị đã in sâu vào trí óc bà con tiểu thương nơi đây. Chỉ với ấm chè ấy, người nữ thương binh này đã nhặt nhạnh, tích cóp từng đồng tiền lẻ nuôi 6 người con học hành đỗ đạt.
Câu chuyện một cuộc đời
Nhiều năm qua, hàng ngày, cứ từ khoảng 3h sáng, mạ Niêm – cái tên thân thương mà bà con tiểu thương đặt cho bà – đã thức dậy nấu nước, vo chè để kịp cho chuyến hàng sớm ở ga Quảng Trị. 5h sáng, bà Nguyễn Thị Niêm đã có mặt ở chợ thị xã. Bước chân run run len lỏi qua từng quầy hàng, san sát nhau nhưng không bao giờ bà Niêm chậm của khách hàng một chén chè; và chè thì lúc nào cũng thơm nồng, nóng rẫy dù chỉ có giá 1.000 đồng. Nghe tiếng rao quen thuộc của bà Niêm: “Ai nước chè nóng đây” là bà con tiểu thương dù sáng sớm cũng làm một cốc cho ấm bụng.
Vất vả. Đấy là những gì người ta nói về bà Niêm trong 30 năm qua nhưng trên hết, tất thảy bà con tiểu thương chợ thị xã Quảng Trị đều một lòng khâm phục bà. Bởi lẽ từ những đồng bạc lẻ nhặt nhạnh mỗi ngày, bà Niêm đã nuôi chồng từ khi ông trở bệnh nặng, thay chồng nuôi dạy đàn con 6 miệng ăn nên người, trong đó có 4 người là con riêng của chồng. Trong ngôi nhà nhỏ cấp 4 ẩn mình bên bờ sông Thạch Hãn, bà Niêm rót chén chè đãi khách rồi từ tốn kể lại câu chuyện cuộc đời mình từ những ngày thơ ấu.
Sinh ra ở miền nghê nghèo Triệu Lăng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, năm 13 tuổi, cô bé Nguyễn Thị Niêm đã sớm tham gia cách mạng với nhiệm vụ giao liên, sau đó vào du kích, trực tiếp chỉ huy tiểu đội vót chông, đào hầm phục vụ cuộc chiến đấu tại chiến trường Thành cổ Quảng Trị. Năm 1966, khi vừa tròn 17 tuổi, cô du kích Nguyễn Thị Niêm nhận lệnh bổ sung cho lực lượng an ninh vũ trang huyện Triệu Phong. Trong một lần cùng 4 trinh sát vượt sông Thạch Hãn để chuẩn bị cho trận đánh đồn Cửa Việt, khi đến địa bàn xã Triệu Vân, tiểu đội của cô bị địch bao vây.
Cuộc chiến đấu không cân sức diễn ra, 4 chiến sỹ trong tiểu đội hy sinh, còn Niêm thì bị bắt. Bọn địch đã đưa cô du kích trẻ về giam ở Nhà tù Lao Xá (Quảng Trị). Dù đã đánh đập, tra tấn Nguyễn Thị Niêm rất tàn bạo nhưng trước tấm lòng kiên trung của người chiến sỹ cách mạng, kẻ địch không khai thác được gì nên đã chuyển Nguyễn Thị Niêm vào nhà tù Phú Tài (Quy Nhơn, Bình Định) – một nhà tù dành riêng cho các nữ tù chính trị. Tại đây, Nguyễn Thị Niêm lại cùng với các nữ tù đứng lên đấu tranh đòi trả tự do, tổ chức các cuộc vượt ngục táo bạo.
Dù những hoạt động đó không đem lại hiệu quả và còn khiến Niêm cùng các đồng chí của mình bị cai tù đàn áp dã man nhưng chính những năm tháng lao tù khổ ải ấy đã hun đúc nên tinh thần thép, lý tưởng cách mạng bất khuất kiên định của những “đóa hồng yêu nước”.
Năm 1972, Quảng Trị được giải phóng, nữ tù Nguyễn Thị Niêm được trả tự do và lại tiếp tục tham gia cách mạng, làm công tác tải đạn, cáng thương binh tại chiến trường Trị Thiên – Huế. Cuối năm 1974, trong khi cuộc chiến còn tiếp diễn, Nguyễn Thị Niêm ngậm ngùi về hậu cứ để điều trị các vết thương bị tái phát. Sau đó, nữ chiến sĩ Nguyễn Thị Niêm được Nhà nước công nhận thương binh loại 4/4, phục viên về quê sinh sống.
Về đến quê nhà, Nguyễn Thị Niêm được chính quyền xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị cử đi học lớp bổ túc văn hóa. Và tại lớp học này, một mối tình đẹp đã nảy sinh giữa cô gái Nguyễn Thị Niêm với anh Nguyễn Hữu Tầm, một thầy giáo quê tại làng Phù Lưu, xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Khi ấy, tình yêu trong sáng, chân thành đã giúp cô gái Nguyễn Thị Niêm vượt qua rào cản để đến với người đàn ông đã trải qua một cuộc hôn nhân và có 4 người con.
Người vợ của anh Nguyễn Hữu Tầm bị tử nạn vì trong một lần đi làm đồng cuốc phải bom bi. “Hồi đó, tôi không có nghề nghiệp gì, nhận làm vợ người ta biết là rất khổ vì 4 đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn, biết lấy gì nuôi con (?!) Nhưng nếu mình không lấy anh thì lòng day dứt không đành vì thương anh cảnh “gà trống nuôi con”. Cũng may là tôi được đám trẻ luôn kính trọng và vâng lời”, bà Nguyễn Thị Niêm kể lại.
Thành thân với anh Nguyễn Hữu Tầm, chị Nguyễn Thị Niêm sinh được 2 người con nhưng không một người con riêng nào của mình được bà quý hơn con chồng. Đứa nào cũng bằng nhau, thậm chí con chồng còn được bà ưu ái hơn vì nó lớn sẽ chăm cho các em. Chị Nguyễn Thị Niêm từng tâm sự với anh Tầm trước ngày hai người đến với nhau thế này: “Tôi thương anh thì ít mà thương 4 đứa con anh thì nhiều bởi chúng nó mất mẹ, có cực mấy tôi cũng cố gắng làm lụng để nuôi các con ăn học”.
Theo thời gian, cuộc sống êm đềm cứ thế trôi đi mà không có bất kỳ một điều tiếng gì về “mẹ ghẻ con chồng” trong gia đình này. Khi gánh nặng trên vai cặp vợ chồng đang được trút dần bởi các con biết phụ giúp nhiều công việc như đi nhặt ve chai, tìm phế liệu… thì một hôm, anh Nguyễn Hữu Tầm đột ngột bị bệnh tai biến. Sau đó, dù anh Tầm đã may mắn qua cơn nguy kịch nhưng lại không còn khả năng lao động và trở thành gánh nặng cho gia đình. Từ đây, cuộc mưu sinh của đại gia đình này chủ yếu trông vào ấm nước chè rong hàng ngày của người phụ nữ thay chồng làm trụ cột gia đình.
Hạnh phúc khi các con trưởng thành
Cuộc sống đã khó, nay lại càng khó khăn hơn khi những đứa con của vợ chồng anh Tầm chị Niêm lần lượt thi đỗ vào các trường đại học. Vui đấy, vì các con đã biết báo hiếu cho cha mẹ bằng cách nỗ lực vượt khó học hành đỗ đạt. Nhưng cũng đầy lo âu, bởi tiền kiếm được từ ấm chè không đủ để chị Nguyễn Thị Niêm lo liệu học phí cho các con, chữa bệnh cho chồng. Thế nên, bao nhiêu đồ đạc đáng giá trong nhà đều lần lượt “đội nón ra đi”.
Bà Nguyễn Thị Niêm kể lại những tháng ngày khó khăn nhất trong cuộc đời: “Vừa bán xong gánh nước là tôi chạy ra tiệm thuốc Tây mua thuốc cho chồng, mua thức ăn cho con. Như thế là tiền hết sạch. Trong nhà có cái tủ để các con đựng áo quần nhưng vì khó khăn quá tôi đành phải bán để lo cho con. Thấy con cái đứa nào cũng ham học, tôi không đành để nó nghỉ. Các con tôi lúc đó đứa thì ăn sắn, đứa ăn khoai đi học, đôi dép của chúng nó thì tôi xin về khâu lại, áo quần thì bạn của chồng cho, cái nào rách thì tôi vá, đi học đại học mà đứa nào cũng áo vá quần can, chỗ ít thì một hai lỗ, nhiều thì lỗ chỗ chằng chịt”.
Những vất vả, lo toan của người mẹ rồi cũng được bù đắp khi các con bà lần lượt học hành đỗ đạt. Người con trai lớn tên Nguyễn Phú Cường tốt nghiệp khoa tiếng Nga, trường ĐH Sư phạm Huế; người con trai kế là Nguyễn Phú Quốc tốt nghiệp trường ĐH Nông nghiệp Huế, rồi học tiếp Thạc sỹ, công tác tại Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị; con gái thứ ba Nguyễn Thị Việt Khánh tốt nghiệp khoa Hóa, trường ĐH Sư phạm Huế được giữ lại trường làm giảng viên.
Ba người con còn lại đều tốt nghiệp các trường ĐH Khoa học Huế, ĐH Sư phạm Huế và nối nghiệp cha mình làm công tác giảng dạy trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Việc các con đều đã trưởng thành, đóng góp tri thức cho xã hội càng tiếp thêm động lực cho bà Nguyễn Thị Niêm thêm niềm vui, nghị lực sống. Các con cùng với bà đã cố gắng để cuộc sống bớt khó khăn, chăm chỉ làm việc để nuôi chồng, chăm cha. Đến năm 2011, bệnh tật đã cướp đi sự sống người chồng của bà.
Chồng mất bà Nguyễn Thị Niêm vẫn sống một mình trong căn nhà cũ chứ không về ở với các con, bởi theo nữ thương binh bộc bạch thì: “Đây là cái nghiệp rồi, nhờ ấm nước chè mà tôi nuôi các con khôn lớn, ăn học nên người. Tuy các con thành đạt cả nhưng mình còn khỏe, còn làm được, không lẽ ngồi ngửa tay xin con tiền? Tôi sẽ làm đến lúc không làm được nữa thì thôi, để các con tôi rảnh tay mà chăm lo cho gia đình riêng của chúng và có thêm điều kiện đóng góp cho xã hội”.