Ngày xuân, mùa của trăm hoa đua nở, muôn chim hót líu lo, vạn vật khởi sắc, tràn ngập sinh khí đón chào năm mới. Một năm của bao bộn bề lo toan nhưng chứa chan niềm tin yêu, hy vọng, năm mới của những dự định mới, của những thành công mới!
Những ngày cuối năm, mọi người tất bật sắm sửa, chuẩn bị cho một cái Tết sắp đến gần, cố gắng sao cho mọi thứ thật tinh tươm, cho nụ cười luôn rạng nở trên môi.
Những ngày cuối năm, các bạn sinh viên, các anh chị, cô chú làm ăn xa quê bắt đầu thu xếp, dọn dẹp đồ đạc, tạm gói lại những bộn bề lo toan thường ngày của cuộc sống mưu sinh. Hào phóng cho con tim mình tha hồ náo nức, hồi hộp cho những phút giây đoàn tụ. Bởi, cuộc sống chưa bao giờ là toàn vẹn.
Nhưng!
Tết! Là để về nhà.
Phút giây rời xa và giây phút đoàn tụ, hai cảm giác trái ngược mà có lẽ chỉ có những người con xa quê mới thấu hiểu hết được.
Hẳn sẽ chẳng ai dứt lòng nói lời chào tạm biệt quê hương thân hương, xa mảnh đất chôn nhau cắt rốn để hoà vào chốn thị thành tấp nập xe cộ. Nhưng để kiếm từng đồng tiền, từng miếng ăn, cuộc sống mưu sinh đã đẩy đưa mỗi mảnh đời khác nhau rời xa mái ấm thân thương. Để rồi những ngày đoàn tụ luôn là khoảnh khắc đáng chờ đợi nhất.
Khoảng thời gian cận ngày về, mỗi người đều mặc cho tim mình trào dâng với những thổn thức. Cảm giác lật từng trang lịch cũ treo trên tường, hồi hộp đếm từng ngày, có lúc là từng phút, từng giây. Những nấc thang cảm xúc rồi chợt vỡ oà khi mái nhà thân yêu hiện lên sau luỹ tre làng. Để được hét to, Ba ơi con đã về. Để được rúc vào lòng mẹ trong những buổi đông giá rét. Để được húp sì sụp những chén canh rau vườn nóng hổi. Bình dị thế thôi nhưng những cảnh cao sang quyền quý nào có thể sánh bằng. Phút giây ấy, chợt nghe thôi cũng đủ thấy nao lòng.
Mình có một ông bạn già, năm nay đã ngoài năm mươi nhưng vẫn sống cô độc một mình. Ở nhà cơ quan, đi xe cơ quan, ăn uống kham khổ chỉ chờ đến ngày cuối tháng nhận mấy chục triệu tiền lương, rồi vội vàng ra ngân hàng đẩy vào hai, ba sổ tiết kiệm, mỗi tài khoản đến mấy tỉ đồng.
Ấy thế mà đã bốn, năm mùa xuân rồi không về nhà. Hỏi lý do, ổng đáp gỏn lọn, về chi cho tốn tiền. Mỗi lần đi ra đi vào tốn mấy triệu đi lại, rồi Tết nhất phải lì xì cho con cháu họ hàng nữa. Tốn kém lắm.
Nhìn mặt ổng hồ hởi mà mình thấy rầu quá chừng. Mấy triệu nhỏ nhoi so gì được với cả chục tỉ đồng. Đồng hồ điểm 16h40, ổng lật đật ra đầu đường dò vé số. Mân mê tờ kết quả, mân mê một xấp vé số dày cộm. Ngày nào dò xong cũng thấy ổng cười. Chẳng biết trúng trật ra sao. Trộm nghĩ, mai này khi đến trăm tuổi, không biết ông tính làm gì với số tiền kếch sù đã dành giụm cả đời. Cô đơn và cô độc!
Trưa làm về sớm, tranh thủ tạt qua làm cốc trà ấm với chị bảo vệ. Nghe chị kể chuyện công việc. Tính mình lạ, thích được nghe người ta tâm sự. Dù có thể không giúp được gì, nhưng ít nhất khi nhìn vào mắt họ, mình cũng cảm nhận đôi chút gì đó đồng cảm.
Chị kể bằng giọng miền Tây, nuột nà nhưng nghe não nề lắm. Tết năm ngoái công ty còn thưởng được ba trăm ngàn, năm nay nghe đâu không thấy gì. Đi làm lương tháng được ba triệu, chia làm hai đợt, công ty thích trả lúc nào thì trả, mình ý kiến thì tụi nó bảo không muốn làm thì nghỉ, người xin vào làm không thiếu. Chợt nghĩ nhiều người, công ty thưởng cả tháng lương vẫn chê này chê nọ.
Đi làm lỡ buồn ngủ, chợp mắt ba giây thôi nhưng bị giám sát bắt được, lập biên bản trừ hai trăm ngàn. Tết vẫn làm bình thường, ai nghỉ bị trừ tiền, còn làm thì không có chuyện gấp đôi, gấp ba lương gì.
Hỏi tết chị có về quê không? Chị thở dài, em tính như vậy, về quê rồi ra tết lấy gì mà ăn. Thôi để ra năm về một lượt. Thấy chị nhìn xa xăm, chẳng biết ra năm này là lúc nào, hay nói để tự an ủi cho lòng thanh thản.
Tết về quê, nghe thì đơn giản nhưng không hẳn vậy. Thấy mùa tết, những người không được khá giả thường hay than thân trách phận. Cũng đúng thôi, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh mà.
Đã đôi lần có ý định thử ăn tết ở Sài Gòn cho có không khí nhưng không dám, có lẽ không bao giờ dám. Thôi thì bây giờ đang một thân một mình, chưa phải nặng gánh lo toan, tranh thủ về quê đón Tết cùng Ba Mẹ.
Bởi vậy mới càng hâm mộ các chú, các bác dù phải bận trăm công nghìn việc nhưng cuối năm vẫn cố gắng sắp xếp mọi thứ cho thật vẹn toàn, để được về quê đón Tết.
Nếu có điều gì luyến tiếc, hãy trách vì sao không được ở bên Ba Mẹ nhiều hơn, bởi tiền bạc, vật chất, mọi thứ đều làm ra được. Riêng chỉ có gia đình, sau này khi đủ trưởng thành mới thấy hối tiếc đã là quá muộn.
Cho những người con đang sống xa quê, cho những ai đang phải nặng gánh mưu sinh, cho những người vì nhiều lý do phải vắng mặt trong phút giây đoàn tụ. Tết! Là để về nhà!
Tác giả: Nguyễn Đức Nhật Thuận