Vào bản tìm học sinh

Mùa tựu trường đến cũng là lúc nhiều giáo viên “cắm bản” ở vùng sâu, vùng xa của huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) phải “toát mồ hôi” trong việc tuyên truyền, vận động các em học sinh đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô đến trường. Có theo chân các thầy, cô giáo Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học và Trung học cơ sở xã Hướng Lộc băng rừng, lội suối đi “tìm học sinh” mới thấy được sự gian nan, vất vả của hành trình “gieo chữ” giữa đại ngàn Trường Sơn.

Vào bản tìm học sinh

Từ tờ mờ sáng, các thầy, cô giáo Trường PTDTBT Tiểu học và Trung học cơ sở xã Hướng Lộc đã có mặt đông đủ tại khuôn viên trường. Bởi gần đến ngày khai giảng năm học mới nên trường tổ chức đi tuyên truyền, vận động học sinh đến trường ở 10 thôn, bản trên địa bàn xã Hướng Lộc. Như kế hoạch đã ấn định, các thầy, cô giáo chia thành nhiều nhóm (mỗi nhóm từ 4 – 5 thầy, cô giáo) nhanh chóng về các thôn, bản. Thầy Hồ Sỹ Chẩm, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học và Trung học cơ sở xã Hướng Lộc cho biết: “Để duy trì số lượng học sinh đến lớp, các thấy, cô giáo phải cất công lặn lội đến tận bản, tận nhà học sinh để tuyên truyền, vận động. Sở dĩ phải làm việc đó vì nhiều phụ huynh học sinh là đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô vẫn còn quan niệm “đói cơm mới chết, đói chữ không chết” nên bắt con cái của họ nghỉ học ở nhà lên nương, lên rẫy làm việc để phụ giúp bố mẹ. Không đi tuyên truyền, vận động phụ huynh học sinh cho con em đến trường thì số lượng học sinh sẽ giảm sút ngay”.

Vào bản tìm học sinh

Theo thầy Hồ Sỹ Chẩm thì công việc đi tuyên truyền, vận động học sinh đến trường của các thầy, cô giáo rất gian nan, vất vả. Các thầy, cô giáo phải tranh thủ về thôn, bản từ sáng sớm hoặc chiếu tối mới gặp được cha mẹ học sinh vì thời gian này họ thường ở nhà. Thời gian còn lại trong ngày, hầu hết cha mẹ học sinh đều lên nương, lên rẫy làm việc nên không thể gặp được họ. Rồi các thôn, bản của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô thường nằm xa trung tâm xã và đường đi lại khó khăn, hiểm trở. Có nhiều thôn, bản muốn đến để tuyên truyền, vận động học sinh phải bỏ xe máy lại rồi cuốc bộ cả mấy tiếng đồng hồ mới tới nơi. Có hôm, gặp mưa rừng đột ngột khiến đường trở nên lầy lội, trơn trợt, các thầy, cô giáo đành ở lại qua đêm trong bản.

Để hiểu hơn công việc của các thầy, cô giáo Trường PTDTBT Tiểu học và Trung học cơ sở xã Hướng Lộc đang làm, tôi theo chân nhóm thầy, cô giáo về bản Ra Ty (xã Hướng Lộc). Trên đường đi, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hoài (SN 1991) tâm sự: “Mới lên đây dạy học hơn một năm nhưng mình đã có hơn chục chuyến về bản tuyên truyền, vận động học sinh đến trường. Nhớ ngày đầu lên nhận công tác, được trường phân công về bản Của nằm cách xa trung tâm xã một quãng đường rừng gần 8 km. Lúc xuất phát còn hứng khởi nhưng khi đi bộ một quãng đường dài về đến bản, chân tay mình mỏi rã rời. Phải mất cả tiếng đồng hồ sau mình mới có thể làm công việc được trường phân công. Khi làm xong công việc, nghĩ đến chuyện trở về trường, mình đã rơi nước mắt vì từ trước đến giờ mình không hình dung nỗi sự khó khăn, vất vả đến như vậy. Bây giờ, không những quen với công việc đi tuyên truyền, vận động học sinh đến trường mà mình còn học được vài câu giao tiếp tiếng Vân Kiều, Pa Kô. Có sống gần đồng bào dân tộc mới thấy thương, thấy quý đồng bào hơn. Nhiều khi biết các em học sinh đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô vì nhiều lý do khác nhau mà không được tiếp tục đến trường, mình thấy không cam lòng nên lại lên đường”.

Dừng chân nghỉ dưới bóng mát cây ven đường vào bản Ra Ty, thầy giáo Trần Tiến Dũng (56 tuổi) đưa bàn tay bị thương chưa kịp lành hẳn của mình cho tôi xem. Thầy cho biết, cách đây khoảng 10 ngày, khi vào bản Của để vận động học sinh đến trường thì thầy bị ngã xe máy do trời quá tối. “Ở đây chuyện đi vào bản buổi tối để vận động học sinh là chuyện bình thường. Nỗi lo thường trực của các thầy, cô giáo đó là khi gặp phải cha mẹ học sinh không hợp tác bởi họ không muốn con họ đến trường. Hỏi gì cũng chỉ nhận được câu trả lời “tà đằng… tà đằng” (tiếng Vân Kiều có nghĩa là không biết…không biết) từ họ. Những lúc như vậy, các thầy, cô giáo phải tìm cách thuyết phục và sau đó là nhiều lần tìm đến gia đình với phương châm “mưa dầm, thấm đất” mới lay chuyển được họ. Nhiều phụ huynh học sinh cảm động trước tấm lòng của các thầy, cô giáo nên tiếp tục cho con em họ đến trường”, thầy Dũng nói.

Đến bản Ra Ty, các thầy, cô giáo vội đến ngay nhà em Hồ Văn Học (học sinh lớp 6 A) khi cả nhà đang ăn cơm sáng. Gia đình em Học thuộc diện khó khăn nhất bản Ra Ty nên Học nằm trong “tầm ngắm” của các thầy, cô giáo bởi sợ em bỏ học. Sau những lời động viên, nhắn nhủ của các thầy, cô giáo, bố mẹ Học đều hứa rằng sẽ cố gắng vượt qua hoàn cảnh khó khăn, để cho Học ăn học đến nơi đến chốn. Họ cảm ơn tấm lòng của các thầy, cô giáo đã quan tâm đến việc học tập của con cái mình. Riêng em Học hứa với các thầy, cô giáo rằng em sẽ đến trường tập trung học tập đúng thời gian quy định. Rời gia đình em Hồ Văn Học, các thầy, cô giáo tỏa đi đến nhiều gia đình phụ huynh học sinh khác của bản Ra Ty. Và công việc của các thầy, cô giáo chỉ suôn sẻ khi nhận được sự đồng thuận của cha mẹ các học sinh.

“Công việc tuyên truyền, vận động học sinh đến trường mà các thầy, cô giáo Trường PTDTBT Tiểu học và Trung học cơ sở xã Hướng Lộc đang làm không phải là công việc ngày một, ngày hai mà là công việc phải làm nhiều tháng, nhiều năm. Phải cố gắng vận động các em đến trường học chữ để sau này chính các em sẽ là những người mang ánh sáng tri thức về với các bản làng nằm heo hút giữa rừng sâu, núi thẳm”. Đó là câu nói đầy trách nhiệm với học sinh của thầy Trần Tiến Dũng khi chia tay. Tôi biết, không chỉ các thầy, cô giáo Trường PTDTBT Tiểu học và Trung học cơ sở xã Hướng Lộc mà nhiều thầy, cô giáo ở các trường vùng sâu, vùng xa của huyện miền núi Hướng Hóa đang lặng lẽ làm công việc ấy bằng cả tấm lòng nhiệt huyết vì các thế hệ học sinh.

Nguồn: Báo Quảng Trị